Xót xa những mảnh đời cùng đường vì djch: Mẹ trẻ lên mạng xin sữa, ông bố dùng 50k nuôi cả gia đình

Anh Huỳnh Văn Bình, 35 tuổi, là hướng dẫn viên tự do, có thể giao tiếp được ba ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Thái và Philippines. Có những ngày, anh Bình kiếm được vài triệu đồng. Vợ anh cũng là công nhân cho một hãng giày da, thu nhập khá. Gia đình năm người sống

Anh Huỳnh Văn Bình, 35 tuổi, là hướng dẫn viên tự do, có thể giao tiếp được ba ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Thái và Philippines. Có những ngày, anh Bình kiếm được vài triệu đồng. Vợ anh cũng là công nhân cho một hãng giày da, thu nhập khá. Gia đình năm người sống trong căn nhà thuê nhưng rộng rãi và đủ tiện nghi ở quận Gò Vấp.

hình ảnh

Anh Bình phải đi phụ hồ để kiếm thêm thu nhập (Ảnh: VNE)

Dịch bệnh xuất hiện khiến mọi thứ đảo lộn. Anh Bình thất nghiệp. Để bớt chi tiêu, gia đình anh dọn sang căn trọ nhỏ hơn. Đồ đạc trong nhà lần lượt “đội nón ra đi” và cuối cùng là chiếc xe máy của vợ cũng bị mang đi cầm đồ để xoay xở tiền ăn học cho ba đứa con. Giữa lúc ấy, vợ anh Bình cũng bị cho nghỉ vì công ty không có việc.

Con gái út đang học lớp hai bị bố mẹ cho nghỉ học. “Cả năm nay, bé út thường theo tôi ra quán ăn phụ rửa chén. Có hôm thấy con theo mình cực quá, tôi “nhốt” con ở nhà trọ, đi làm trong thấp thỏm. Về tới nhà thấy con vẫn an toàn, ngủ say mà nước mắt tôi chảy dài”, chị Hồng Chi, 36 tuổi vợ anh Bình kể.

Anh Bình chuyển sang phụ hồ, lúc đi dọn nhà thuê nhưng vì trong người có bệnh tim nên rất sợ. Năm ngoái, anh còn đi khám để uống thuốc nhưng năm nay thì ‘đánh liều’ vì không có tiền. Nửa đêm, nghĩ đến khoản tiền trọ đang nợ, nhà thì hết gạo, anh Bình dắt xe ra đường mong kiếm được cuốc khách giữa những ngày giãn cách.

“Tiền nhà ba triệu sáu đã trễ một tuần. Hôm nay đi dọn nhà thuê được 350 nghìn đồng nhưng lúc chiều đã trả góp 200 nghìn cho khoản vay nóng sáu triệu. Đóng trễ một ngày là phạt 100 nghìn, trễ hai ngày tăng gấp đôi”, ông bố ba con buồn bã.

Mấy ngày trước, có hôm cả nhà còn đúng 50 nghìn đồng nhưng anh cũng không tìm đến chỗ phát cơm từ thiện vì nghĩ suất ăn đó dành cho người khó khăn hơn, mình còn sức khỏe nên đi lao động để có thu nhập.

hình ảnh

Anh Bình cố gắng làm đủ mọi nghề để nuôi sống gia đình nhỏ (Ảnh: VNE)

Cũng lâm vào đường cùng, chị Trần Thị T., 33 tuổi, đã phải lên Facebook cầu cứu cộng đồng, xin sữa cho cô con gái 11 tháng tuổi. Trước đó, chủ T. là chủ của một xưởng may với chục nhân công ở quận 12. Đại dịch ập đến, chị T. không trụ nổi đành dẹp xưởng.

Đúng lúc ấy, chị mang thai, tiền dành dụm cạn dần, Gò Vấp lại thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16. Trước giờ “phong tỏa”, trong người bà mẹ trẻ chỉ còn 30.000 đồng. Những người bạn chỉ kịp mang đến cho hai mẹ con ít gạo, rau củ và thịt gà, chị để dành nấu cháo cho con, còn chị thì cứ mì gói qua ngày. Được ít hôm, lon sữa của con đã cạn đáy.

Trằn trọc suốt đêm, hôm sau, chị đăng tin lên một nhóm mạng xã hội của người Gò Vấp xin sữa cho con. “Tôi mồ côi mẹ từ năm một tuổi, năm ba tuổi thì bố mất phải nương nhờ nhà họ hàng. Vào Sài Gòn học đại học rồi tự lập sớm nhưng chưa lúc nào bế tắc như lúc này”, bà mẹ đơn thân nói.

Sau lời cầu cứu, người Sài Gòn từ khắp nơi đã gửi cho chị T. số tã, sữa đủ cho cháu bé dùng trong hơn hai tháng. Bà mẹ trẻ còn nhắn tin đến những người quen hỏi mượn thêm vài trăm nghìn đồng dằn túi. “Tôi còn trẻ, có sức khỏe và có nghề nghiệp, nên chỉ cần dịch được kiểm soát thì tôi có thể sống được”, chị T. nói, ánh mắt lấp lánh niềm hy vọng.

hình ảnh

Chị T. cố gắng kiếm thêm thu nhập để có tiền mua sữa cho con (Ảnh: VNE)

Thật sự thương anh Bình, thương cả chị T. và xót xa lắm cho những mảnh đời đang lao đao vì dịch bệnh. Ai cũng động viên nhau rồi ngày mai sẽ tươi sáng, rồi chúng ta lại có thể mưu sinh một cách bình thường. Thế nhưng, chẳng một ai dám trả lời cho chúng ta biết, “ngày mai” là khi nào.

Bây giờ bước chân ra đường, sẽ thấy những quán cà phê, tiệm ăn vốn tấp nập bỗng trở nên im ắng. Những ông bà già, trẻ em, người khuyết tật bán vé số trơ trọi dưới trưa nắng, chẳng còn ai ngồi quán xá mà vẫy tay mua giùm.

Và rồi, đừng nghĩ chỉ những người nghèo mới khốn khó, cả những gia đình có thu nhập tốt, có thu nhập ổn định như anh Bình, chị T. khi thất nghiệp vẫn khó lòng xoay chuyển. Chẳng ai nghĩ một người đàn ông thông thạo ba ngoại ngữ, kiếm vài triệu mỗi ngày bây giờ vì dịch bệnh phải đi vay nóng, làm đủ mọi nghề từ xe ôm cho đến phụ hồ để cầm cự.

Cũng chẳng ai ngờ được, một bà mẹ đơn thân can trường như chị T., là chủ của một xưởng may lớn nay phải lên mạng “cầu cứu” xin sữa cho con. Vậy mới thấy, thiên tai dù đau thương cỡ nào chúng ta vẫn có thể khắc phục, nhưng dịch bệnh cứ âm ỉ mỗi ngày làm kiệt quệ biết bao mảnh đời đang chật vật mưu sinh.

hình ảnh

Dẫu vậy, dù trong gian khổ, chúng ta vẫn thấy một tinh thần đầy lạc quan của người Việt. Anh Bình, dù chỉ còn 50 ngàn đồng trong túi vẫn quyết không đi xin cơm từ thiện, không phải vì anh xấu hổ mà bởi anh nghĩ có nhiều người còn khổ hơn mình và họ cần thức ăn hơn. Thậm chí, khi đang ngập đầu vì nợ, anh vẫn tự thuyết phục bản thân cần cố gắng hơn nữa, vì gia đình, vì vợ con.

Còn chị T, dù đang lao đao và chưa có phương hướng để giải quyết cho bữa ăn ngày mai, thì chị vẫn ngập tràn niềm tin rằng dịch bệnh sẽ mau hết, rằng chị sẽ sớm được đi làm lại và đứa trẻ của chị sẽ không thiếu thốn như bây giờ.

Có lẽ, hai câu chuyện nói trên chỉ là một phần rất nhỏ trong thực tại bây giờ. Ngoài xã hội vẫn còn nhiều lắm những mảnh đời bất hạnh, ví như câu chuyện về cụ bà lầm lũi kiếm ăn trên phố, xin cô gái trẻ thêm hộp cơm. Hay câu chuyện về người đàn ông lớn tuổi, đạp xe cả ngày đói và mệt mỏi, cố gắng xin công ty có việc gì thì vào làm nhưng bên phía công ty nói rằng: “Dạ, công ty hiện không có nhu cầu”. Thế là ông nói: “Có gì ăn thì cho chú ăn, vì chú đói quá…”

Sau cùng, những câu chuyện mà em muốn chia sẻ với các mẹ, không phải để than vãn hay để chúng ta trách móc ỉ ôi sao mà khổ quá. Điều em muốn nhắn gửi là hãy lạc quan lên, nếu chúng ta vẫn còn công việc, vẫn có những bữa cơm nóng canh ngọt, đi ngủ không cần suy nghĩ chuyện ngày mai thì đã may mắn hơn rất nhiều người rồi.

Nguồn: VNE

Theo WTT

BÀI LIÊN QUAN
X