F0 đã có kết quả âm rồi sao vẫn còn có triệu chứng?
Hầu hết mọi người sẽ có kết quả âm trong vòng 10 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng hoặc nhận kết quả xét nghiệm hai vạch đầu tiên. Song, họ vẫn có thể tiếp tục dương trong vài tuần thậm chí là vài tháng sau khi nhiễm Covid-19.
Điều may mắn là ngay cả khi có kết quả dương sau một thời gian dài nhiễm thì khả năng lây cho người khác rất thấp.
Liên minh vắc xin Gavi phân tích: “Xét nghiệm PCR nhằm tìm ra các phần của vật chất di truyền và khuếch đại chúng để phát hiện ra cô vít. Trong khi đó, các đoạn vật chất di truyền của cô vít có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể sau khi lây nhiễm. Đó là lý do vì sao mà test nhanh âm nhưng PCR lại dương”.
TS. Leong Hoe Nam (chuyên gia về bệnh truyền nhiễm) cho hay: Các triệu chứng như ho và đau họng có nguy cơ kéo dài sau khi F0 có kết quả âm. Lý do là vì các mô cơ quan của họ vẫn còn bị tổn thương. ‘Những triệu chứng này phản ánh cơ quan bị tổn thương (cổ họng) chứ không phản ánh khả năng lây nhiễm’, ông nhấn mạnh.
Người bệnh đang được điều trị. Ảnh minh họa, nguồn: Thehour
Ngoài ra, một số biểu hiện như thay đổi vị giác, khứu giác cũng có thể kéo dài thêm một thời gian.
Còn GS. Dale Fisher (Đại học Quốc gia Singapore) thì cho rằng: Đã có nhiều trường hợp test nhanh cho kết quả âm tính giả.
PGS TS Phạm Thị Bích Đào (Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nhận định: “Sau khi test nhanh âm tính nghĩa là cơ thể không còn kháng nguyên ở vùng mũi họng. Song, bạn vẫn có thể bị ho khan trong một thời gian nữa. Lý do là vì khi nhiễm cô vít, bạn bị ho kéo dài khiến biểu mô đường hô hấp bị tổn thương. Từ đó dẫn tới sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm… có sẵn trong đường thở và gây viêm. Khi ấy, cơn ho sẽ trầm trọng hơn, ho sâu, ho có đờm đặc dần và vàng xanh. Bạn có thể bị ho từng cơn. Việc ho quá nhiều sẽ gây kích ứng, đau rát họng khiến người bệnh không ăn không ngủ được. Đặc biệt, ho nhiều gây lo lắng còn có thể dẫn tới tổn thương ở phổi do hậu Covid-19”.
Bên cạnh đó, F0 test nhanh âm tính chưa chắc là đã khỏi nên PCR vẫn dương. Hoặc cũng có thể là do thao tác lấy mẫu test chưa đúng. Vì thế, bạn không nên chủ quan, vẫn cần theo dõi hết 10 ngày và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.
Chỉ có điều, ho là phản xạ làm sạch bụi, đờm và các chất kích thích khác khỏi đường thở. Đây là phản xạ có lợi nhằm bảo vệ cơ thể. Do đó, nếu ho không nhiều thì bạn chỉ cần tập hít thở, uống nước ấm và bổ sung dinh dưỡng để tăng đề kháng. Còn nếu cơn ho quá nặng thì bạn nên đi gặp bác sĩ ngay.
Nên đi khám khi có sự bất thường. Ảnh minh họa, nguồn: Ylxw
Vậy khi nào F0 lây lan mạnh nhất?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá: Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện từ 2 – 14 ngày sau khi phơi nhiễm. Tuy nhiên, với Omicron, thời gian ủ bệnh ngắn hơn nhiều, chỉ từ 3 – 5 ngày.
Một người có khả năng lây nhiễm cao nhất từ 1 – 2 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng và 2 – 3 ngày sau đó. Đó là lý do vì sao mà F0 cần từ cách ly tối thiểu 5 ngày sau khi bắt đầu có triệu chứng hoặc nhận kết quả test dương.
TS. Allison Arwady nhận định: Với các biến thể như Delta và Omicron, mọi thứ đều được đẩy nhanh hơn. Bằng chứng là thời gian tiếp xúc với nguồn bệnh đến khi nhiễm ngắn hơn, triệu chứng khởi phát cũng sớm hơn và F0 nhanh bình phục hơn. Phần lớn lý do là vì ngày càng có nhiều người đã tiêm vắc xin.