Thu nhập 10 triệu, cho con học mầm non 8 triệu: “3 phần thương con, 7 phần theo số đông”

Hôm trước nhà hàng xóm đăng biển bán xe dù mới mua được hơn một năm, hỏi ra thì mới biết sau đợt dịch Covid, công việc kinh doanh cũng không thuận lợi mà chi phí cho thằng con đi học mẫu giáo ở trường tư tốn kém quá, nên hai vợ chồng đi đến

Hôm trước nhà hàng xóm đăng biển bán xe dù mới mua được hơn một năm, hỏi ra thì mới biết sau đợt dịch Covid, công việc kinh doanh cũng không thuận lợi mà chi phí cho thằng con đi học mẫu giáo ở trường tư tốn kém quá, nên hai vợ chồng đi đến quyết định bán xe.

Câu chuyện làm tôi sực nhớ đến cuộc khủng hoảng tài chính của gia đình mình cách đây vài năm trước, cũng trong hoàn cảnh chạy đua cho con đi học trường mẫu giáo quốc tế song ngữ. Thời điểm đó chồng tôi lương tháng chỉ vỏn vẹn 10 triệu, còn tôi làm văn phòng nên các khoản lương cộng lại cũng vừa tầm 8 triệu mà thôi.

Vậy mà với quyết tâm không để con thua kém với bạn bè, nhất là khi mà ở trên công ty rất nhiều chị đồng nghiệp khoe cho con đi học mẫu giáo quốc tế nên chỉ mới 3 tuổi đã biết nói tiếng anh như sáo, cô giáo thì tận tình, tâm lý… làm tôi cũng bồn chồn không yên. Vậy là tôi đã bắt đầu chuẩn bị tìm trường cho con học từ lúc con mới lên 1 tuổi, mọi thứ đã sẵn sàng, việc còn lại chính là thuyết phục chồng tôi.

Ban đầu chồng tôi cương quyết phản đối ý kiến của vợ, với lý do cho con đi học trường tư quá tốn kém, một tháng tính ra cũng gần bay hết tháng lương của một mình ảnh, phần còn lại lo chi phí nhà trọ, sinh hoạt, chưa kể bỉm sữa, ốm đau lặt vặt của con… Tóm lại là chồng tôi cho rằng vợ mình đã quá đua đòi theo đám đông và anh chỉ đồng ý khi cho con học trường công mà thôi.

Sau đó tôi đã dành thời gian gần một năm để thuyết phục chồng mình, vì chuyện này mà có thời gian vợ chồng tôi đã xảy ra chiến tranh lạnh. Cuối cùng tôi tuyên bố: “Nếu anh không cho con học trường tư thì tôi sẽ ly hôn vì anh làm cha mà không lo được cho con”.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn hình: Sohu

Tất nhiên tôi đã chiến thắng rất hả hê vì tính chồng tôi không thích làm to chuyện. Thế nhưng những ngày sau đó tôi mới bắt đầu thấm dần cảnh làm phụ huynh có con học trường tư thật sự không đơn giản chút nào.

Vì sao ư? Vì cứ khoảng vài ngày tôi lại nhận được những thông báo của nhà trường có nội dung như:

Mẹ ơi! Sắp tới nhà trường tổ chức cho các con đi trải nghiệm ở Abcdz… mỗi bé sẽ đóng số tiền là 1 triệu để….

Mẹ ơi! Nhà trường đang chuẩn bị tổ chức chương trình văn nghệ giao lưu, mỗi bé sẽ tự chuẩn bị các trang phục có màu Abcdz…..

…………

Và còn hàng loạt các khoản mục thu chi mà suốt 1 năm con học ở trường tư, tôi đã phải còng lưng đã gồng gánh mà không dám than thở với chồng mình. Sang năm thứ hai, tôi thấy tình hình không ổn nên tôi đã âm thầm xin rút hồ sơ cho con chuyển sang học trường công gần nhà, học phí chưa đến 1/10 ở trường tư, nhờ vậy mà tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Dù biết rằng, tiền nào của nấy, rõ ràng, trường tư với sự đầu tư về cơ sở vật chất và các môn học chứa nhiều kiến thức xã hội, đào tạo ngoại ngữ tốt hơn sẽ dễ cuốn hút trẻ em, tạo điều kiện tốt hơn các cháu ngay trong lúc đi học và cho cả tương lai.

hình ảnh

Tuy nhiên, trên thực tế, dù nhiều gia đình đủ điều kiện về tài chính, họ vẫn lựa chọn trường công cho con cái mình vì các lý do cũng rất hợp lý.

– Trường công có tính kỷ luật cao hơn (các con không được chiều chuộng như trường tư)

– Thầy cô giáo trường công nhiều kinh nghiệm giảng dạy hơn

– Học trường công xong để dành tiền cho con đi học thêm. Đây là lý do rất phù hợp với các gia đình quyết tâm cho con đi theo hệ công lập, thi vào các trường chuyên lớp chọn.

Tất nhiên ở cương vị là phụ huynh, tôi hiểu rằng nhiều bậc cha mẹ rất mong muốn con mình được học hành đến nơi đến chốn, nhưng lại bỏ qua hoàn cảnh thực tế của gia đình.

Có 2 lý do mà cha mẹ luôn muốn con học trường mầm non xịn dù điều kiện kinh tế không mấy khá giả, cụ thể:

1. Cha mẹ muốn con cái được phát triển tốt hơn

Là cha mẹ, ai cũng hy vọng con cái có điều kiện để phát triển tốt nhất. Do đó, dưới ảnh hưởng của kiểu suy nghĩ này, nhiều bậc cha mẹ sẽ cho con cái của họ đến những nền tảng giáo dục tốt hơn, điều này cũng sẽ cho phép trẻ có thêm kiến ​​thức và mối quan hệ trong một môi trường giáo dục tốt.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ rõ ràng không có điều kiện đó, nhưng để con cái được học hành tốt hơn, họ sẵn sàng đi vay mượn, tiết kiệm từng đồng… Nhưng vô hình chung, điều này sẽ khiến gánh nặng cho gia đình tăng lên, và con cái chắc chắn sẽ cảm thấy áp lực, ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng – con cái.

2. Tâm lý theo số đông của cha mẹ

Điều này là do nhiều bậc cha mẹ muốn chọn một nền giáo dục tốt hơn sau khi thấy con hàng xóm, hoặc thấy con của đồng nghiệp được phát triển ở môi trường tốt, theo tâm lý không ai muốn thua thiệt nên bằng mọi giá phải cho con không bị thua thiệt từ vạch xuất phát.

Tâm lý này sẽ còn kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng, bởi nó không chỉ khiến việc học hành của con cái rơi vào cảnh đua đòi mà con cái còn dễ bị ảnh hưởng tâm lý.

Cuối cùng, đừng quên rằng việc chúng ta tìm đến những lựa chọn giáo dục rẻ hơn không có nghĩa là chúng ta đã hy sinh tương lai của con cái mình. Phần lớn sự thành công của con cái là dựa trên sự quan tâm và sự gương mẫu của cha mẹ, chứ không phải là do bỏ thật nhiều tiền cho con học trường nọ lớp kia.

Cha mẹ dành thời gian cho con, sống đúng mực, luôn cố gắng để con noi theo sẽ là nền tảng giao dục quan trọng nhất cho con cái. Nếu điều kiện tài chính của gia đình không đủ học trường tư, cha mẹ hoàn toàn có thể bổ sung kiến thức tiếng Anh và xã hội cho con cái bằng các con đường khác.

Theo giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X