Gia đình chị Trần Thị Ly (37 tuổi, xóm 7, xã Hồng Thuận, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) là gia đình thuần nông. Quanh năm vợ chồng đầu tắt mặt tối ở ruộng vườn nhưng chỉ đủ ăn, gần như chẳng dư dả được đồng nào. Như mọi gia đình nông thôn khác, niềm vui và hy vọng của nhà chị đặt hết vào con. Con gái chị, em Trần Thu Loan năm nay 16 tuổi, học tại Trường THPT Giao Thuỷ A (Nam Định) là niềm tự hào của cả nhà. Suốt từ lớp 1 đến lớp 10, em đều đạt học sinh giỏi.
Sự cực nhọc vất vả mưu sinh của vợ chồng chị Ly được vợi đi phần nào mỗi khi có người khen con gái. Anh chị nghĩ về cái ngày con đỗ 1 trường đại học danh tiếng, tiếp tục học giỏi, có nghề nghiệp và thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn.
Thế nhưng, tai họa ập đến vào 1 ngày mùa hè tháng 3/2020, Loan đột nhiên lên cơn sốt cao suốt 3 ngày.
Loan đến bệnh viện huyện điều trị không đỡ. Vợ chồng chị Ly đưa con tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Mọi thứ trở nên trầm trọng hơn khi phải đưa em đến bệnh viện Bạch Mai bằng xe cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch, như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Tại bệnh viện Bạch Mai, làm đủ các xét nghiệm các bác sĩ mới phát hiện ra Loan bị nhiễm trùng máu ăn sùi van tim, đọng 1 miếng trong van tim trôi lên não gây đột quỵ. Bác sĩ nói không thể can thiệp được nữa vì đã để qua “thời gian vàng” rồi mới tới, em đã tắc động mạch chủ, nếu cứu được tính mạng chỉ có thể sống thực vật
Nhìn đứa con trong cơn thập tử nhất sinh, vợ chồng chị Ly đau đớn đến ngất đi. Thế là bao hy vọng của gia đình đã vỡ vụn.
Tạm thoát khỏi cơn nguy kịch, tuy giữ được tính mạng nhưng Loan đã bị liệt nửa người, chết não, nhận thức giờ chỉ như đứa trẻ 2 tuổi gần như quên hết mọi thứ. Chị Ly nghẹn ngào trong cơn đau đớn khi nhiều lần chứng kiến con nguy kịch, nhiều lúc tưởng mất con mãi mãi. Chị xót xa đứa con học giỏi ngoan ngoãn giờ ngô nghê vì bạo bệnh. Loan chữ nghĩa quên hết, bạn bè không nhớ. Trong tâm trí của em, có lẽ chỉ còn bám víu vào một hình bóng duy nhất là “mẹ“, em gọi bố là mẹ, bác sỹ cũng gọi là mẹ.
Người mẹ dù có phải hy sinh tính mạng, chứ chẳng bao giờ buông tay con mình. Mỗi ngày trôi qua, chỉ cần nhìn thấy con hé mở đôi mắt nhìn mình, chị Ly cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Nhìn thấy con còn thở, chị còn hy vọng, dù biết là mong manh.
Tuy nhiên, hy vọng mong manh vẫn phải được duy trì bằng tiền.
Từ lúc con bị bệnh, gia đình chị đã tiêu tốn đến hơn 200 triệu tiền thuốc, chi phí phẫu thuật cho con. Phần lớn khoản tiền đó là nhờ vào vay mượn, đến giờ vẫn chưa trả được. Hàng ngày, người mẹ chỉ dám mua những suất cơm đạm bạc giá 20 ngàn khô khốc cốt cho no bụng, vì tiền ăn của con đã lên đến 120.000 đồng/ngày.
Hiện mỗi ngày ở viện, chi phí điều trị cho Loan hết khoảng gần 1 triệu đồng. Những loại thuốc bổ não thường ngày phải dùng đều năm ngoài danh mục bao hiểm chi trả. Ở quê, anh Trần Xuân Trường, chồng chị Ly đi làm thuê đủ nghề, chắt bóp từng đồng bạc lẻ gửi lên cho vợ mua thuốc.
Bác sỹ nói, căn bệnh của Loan phải điều trị theo lộ trình, sử dụng các loại thuốc bổ não và tập phục hồi chức năng. Việc điều trị của em sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc. Đó là một cuộc chiến không biết ngày kết thúc, giữa cha mẹ cạn kiệt đến cùng cực và căn bệnh nghiệt ngã của cô con gái được cả nhà gửi gắm bao kỳ vọng.
Thế nhưng, còn hơi thở thì vợ chồng chị còn chiến đấu, kể cả chiến đấu trong vô vọng. Mong rằng thời gian qua đi, thuốc thang đầy đủ sẽ khiến bệnh tình của Loan thuyên giảm, số phận sẽ bao dung với gia đình nghèo, với cô bé 16 tuổi vô tội. Cho gia đình chị Ly trở lại những ngày bình thường, cho Loan lại được đến trường làm cô học sinh giỏi.