Quần áo từ thiện bị vứt ngổn ngang, 1 người đau lòng nói: Bà con nói thẳng chỉ cần lương thực

Người dân cả nước chuyền tay nhau những hành động đẹp về việc tặng quà cứu trợ người dân miền Trung, cùng nhau quyên góp sức người sức của gửi ra nơi khúc ruột thân thương trong cơn bão lũ. Thế nhưng, có một thực tế đã xảy ra là quà từ thiện phân phát

Người dân cả nước chuyền tay nhau những hành động đẹp về việc tặng quà cứu trợ người dân miền Trung, cùng nhau quyên góp sức người sức của gửi ra nơi khúc ruột thân thương trong cơn bão lũ.

Thế nhưng, có một thực tế đã xảy ra là quà từ thiện phân phát không đều, nơi có nhiều nơi lại thiếu thốn. Đặc biệt, có một số nơi người dân ở gần đường, gần chợ lại cử người nhà ra “xin đểu” quà của các mạnh thường quân. Còn bà con nơi vùng sâu vùng xa lại không được nhận quà, lâm vào tình cảnh thiếu thốn trăm bề.

Cụ ông bật khóc khi nhận được suất cơm từ thiện, nhiều ngày nay ông nhịn đói vì nước ngập quá cao. Ảnh saostar

Như mới đây có câu chuyện về việc quần áo từ miền Bắc gửi vào hỗ trợ bà con. Vì lo lắng những ngày mưa lũ vừa qua có thể quần áo đã bị mục, rách nên nhiều nhà hảo tâm đã vận động thu gom đồ cũ gửi cho người dân các tỉnh ngập nặng. Thế nhưng theo như những gì tài khoản có tên N.C chia sẻ thì người dân tại Lệ Thủy – Quảng Bình đã từ chối nhận quần áo, chăn màn mà người này gửi đến. Thứ họ cần bây giờ là lương thực nên bao công sức vận động quyên góp, chọn lựa, giặt giũ rồi mang đến tận nơi của anh N.C coi như công cốc.

Nguyên văn đoạn chia sẻ như sau:

“ĐAU LÒNG HÌNH ẢNH QUẦN ÁO TỪ THIỆN Ở MIỀN TRUNG BỊ VỨT NGỔN NGANG DƯỚI ĐẤT !!!

Có đi mới biết miền Trung, những đoàn từ thiện bánh chưng bánh tét thì nên xem lại nhé. Cả quần áo, chăn màn nữa. “Đoàn em đi đến nhìn thấy bà con vừa được chia bánh chưng và bánh tét xong đoàn đó lên xe về họ bỏ lại bánh luôn không mang về .

Quán cơm nói từ thiện thì đoàn em ăn xong ra xin luôn 25 thùng mỳ nói là cho bà con xóm làng của họ bị lụt. Em nói họ dẫn đi để đoàn em phát trực tiếp, nhưng khi đoàn em được chủ quán cơm dẫn vào chỗ đó thì không bị lụt tý nào .

Bà con ạ ! xót xa khi người có tiền ở rìa đường thì làm “cò “để kiếm lợi, mời chào đủ kiểu, chẳng hiểu họ có biết nghĩ không?

____________________

Lệ Thủy _ Quảng Bình ơi !

Đoàn tôi chọn vùng nước lụt nhất để đến .

Hãy cho thứ họ cần thôi, thứ mình xin được là quần áo chăn màn họ không cần đâu. Bà con ra xin đồ nói thẳng chúng tôi cần lương thực chứ ko lấy quần áo chăn màn. Nguyen cuong bỏ ra 2 chuyến xe chở hàng vào mất tầm 10tr, lái xe trên cung đường cả 1000km đã vất vả và nguy hiểm lắm nhưng cuối cùng….

Đau lòng ! Em thương bản thân mình và cả đoàn em bỏ cả 4 ngày, Ninh Bình, Hà Nội… các nơi gửi quần áo chăn màn em còn phải giặt phải phơi .

Đoàn đi từ thiện bỏ thời gian, mất tiền, mất công sức mệt mỏi ….thậm chí có người bỏ mạng trên chuyến đi . Nhưng ngược lại những hình ảnh này thật đáng buồn

Em sẽ cho 1 xe quần áo quay đầu về để đi vùng cao vào đầu tuần sau . Bà con vùng cao như Hà Giang , Lai Châu ….. Họ cần đồ cũ lắm chưa bao giờ họ chê như vậy cả

Thương lắm miền Trung. Bao nhiêu công sức rồi tiền của chỉ sợ bà con rét, đói chứ biết thế này ở nhà cho khoẻ. Quần áo phải đi xin, đồ ăn phải đi xin, cái gì cũng đi xin, rồi những giờ thức trắng đêm để vận chuyển đồ vào chỗ bà con mà mọi người nỡ làm thế này, vứt đi ko thương tiếc. Ở ngoài bắc này cũng còn nhiều người đói rét lắm. Buồn thay”.

Quần áo vứt ngổn ngang, không chỉ mất lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường. Ảnh Hóng Express

Bài viết nhận được nhiều sự quan tâm và rất đông bình luận từ người dùng mạng. Có thể nói, từ thiện là việc làm từ tâm nên chứng kiến cảnh quần áo cứu trợ của mình vất vả từ nơi xa mang đến bị đổ đống, bị từ chối thì chắc hẳn ai cũng sẽ buồn. Kèm theo bài viết là hình ảnh khá đau lòng vì quần áo vứt tứ tung, bị lấm lem và dường như không còn còn hứng thú để nhặt lên.

Thế nhưng liệu những hình ảnh quần áo cứu trợ ngổn ngang mà cộng đồng mạng đang chia sẻ là người dân không nhận hay có sự thật nào phía sau như: bị ướt nên đem ra phơi, các đoàn để thành đống cho bà con tự đến lựa hay chúng không còn có thể sử dụng được nữa mới bị bỏ đi? Cũng có ý kiến cho rằng do đồ cứu trợ không đến được tay người cần mới xảy ra tình trạng nơi thừa nơi thiếu.

Ảnh Hóng Express

Thiết nghĩ, các đoàn từ thiện trước khi mang đồ cứu trợ đến vùng nào thì nên liên hệ với chính quyền địa phương để nhận được sự giúp đỡ và biết trước tình hình của bà con nơi đây. Nếu liên lạc trước, họ sẽ biết người dân thật sự cần gì, lương thực, quần áo hay nhu yếu phẩm nào khác. Nếu họ cần lương thực nhưng đem quần áo đến tặng thì sẽ sinh ra tình trạng lãng phí như trên. Ngoài ra, cập nhật thêm tình trạng bão lũ nơi đây để biết cách di chuyển cho phù hợp và kêu gọi sự giúp đỡ nếu cần.

Kết hợp với chính quyền địa phương là cách tốt nhất để chuyến từ thiện diễn ra suôn sẻ, tránh tình trạng nơi thừa nơi thiếu, bị “xin đểu” hoặc bị “chặt chém” giá thuê thuyền như những trường hợp đã xảy ra trước đây.

Bình luận của cộng đồng mạng. Ảnh chụp màn hình, Hóng Express

Song song đó, nếu đã làm từ thiện thì hãy chịu khó đi đến những nơi bà con thật sự khó khăn, đặc biệt là những nơi xa xôi, ngập nặng. Bà con những nơi này rất khó để tiếp cận với các đoàn từ thiện nên chủ động đến với họ. Còn nếu ngại, tốt nhất nên ủng hộ đồ cứu trợ cho các đoàn lớn hơn để họ có thể đi đến tận nơi, trao quà tận tay cho bà con.

Và quan trọng hơn hết là đừng quơ đũa cả nắm, thấy một bộ phận người dân từ chối đồ từ thiện thì vội bảo rằng “người miền Trung thế này, thế nọ”. Ở đâu cũng có người giàu người nghèo, có người cần người không.

Vì vậy mà đừng đánh đồng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đồng bào của mình trong mắt những người khác, gián tiếp khiến họ mang tiếng xấu. Vùng nào từ chối nhận, mình đem số đồ đó đến nơi cần hơn và rút kinh nghiệm lần sau nên tìm hiểu kỹ. Còn công sức mình bỏ ra, dẫu biết cực và tốn kém lắm đấy, nhưng đã quyết định làm thì đừng so đo kể lể.

Hiện tại những hình ảnh quần áo vứt ngổn ngang, bánh chưng đổ đống đang khiến cư dân mạng xôn xao không ngừng suốt những ngày qua.

Theo giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X