Mẹ nghèo bán rau nuôi 2 con gái khiếm thị giành học bổng du học danh giá: Đừng đổ lỗi số phận

Phận đời nghiệt ngã, bà chỉ sinh được 2 cô con gái thì cả 2 đều mắc phải căn bệnh khiếm thị bẩm sinh. Con gái đầu là Nghiêm Thị Thu Trang (1992) và cô con thứ là Nghiêm Vũ Thu Loan (1998) đều có thị lực 1/10. Mắt Loan còn kém hơn cả chị.

Phận đời nghiệt ngã, bà chỉ sinh được 2 cô con gái thì cả 2 đều mắc phải căn bệnh khiếm thị bẩm sinh. Con gái đầu là Nghiêm Thị Thu Trang (1992) và cô con thứ là Nghiêm Vũ Thu Loan (1998) đều có thị lực 1/10.

Mắt Loan còn kém hơn cả chị. Cô chỉ nhìn rõ được 7 màu cơ bản dưới ánh sáng mặt trời, còn dưới ánh đèn, chỉ phân biệt được màu trắng đen. Từ lúc sinh ra cho đến 5 tuổi, Loan phải trải qua 5-6 cuộc phẫu thuật. “Sẽ sống chung với bệnh cả đời vì không có cách chữa trị”, bác sĩ nói với người mẹ.

Bà Hương bên con gái của mình (Ảnh: Phunuthudo)

Lên 6 tuổi, bà Hương xin cho Loan đi học nhưng không trường nào nhận. Hàng ngày, cô bé khiếm thị đi theo chị họ học lớp 2 đến trường rồi đứng ở cửa lớp “học mót”, nắng mưa không nghỉ. Năm Loan 7 tuổi, bà Hương năn nỉ một trường tiểu học nhận cô bé vào lớp, nhưng họ xếp ngồi bàn cuối.

Ở lớp, Loan học rất nhanh, các bạn đọc thơ, đánh vần, cô bé ghi nhớ và đọc thuộc vanh vách nhưng không biết viết, vì chẳng ai dạy. Năm 9 tuổi, Loan được Hội người mù tỉnh Hà Tây cũ tiếp nhận, cho học chữ nổi.

Để chi trả viện phí cho hai cô con gái, bà Hương bán tất cả những gì có giá trị trong nhà. Nhà có 3 sào ruộng nhưng làm không đủ ăn, bà cùng chồng ngược xuôi buôn bán. Hàng ngày bà Hương dậy từ 2 giờ sáng, làm rau cỏ để đem ra phiên chợ sớm, chiều tối lại cùng chồng chăn nuôi lợn gà.

Hơn mười năm ròng rã, cứ hè đến người mẹ này lại đưa hai con lên Viện mắt ở Hà Nội khám và điều trị. Từ gánh hàng rau của mẹ, dù thị lực chỉ còn 1/10 nhưng Trang – con gái đầu – vẫn có thể đi lại và học tập như bạn bè bình thường.

Người mẹ luôn đồng hành cùng con gái trong mọi sinh hoạt (Ảnh: VNE)

Sau khi tốt nghiệp đại học, ngành ngôn ngữ học với tấm bằng hạng xuất sắc, năm 2017, Trang giành được học bổng thạc sĩ ngành phát triển quốc tế tại Úc. Hiện cô gái này đã về nước và mở các lớp dạy tiếng Anh cho học sinh tại quê nhà.

Không được như chị gái, mọi việc với Loan trở nên khó khăn hơn khi năm 11 tuổi, cô bé bị một thanh sắt đâm trúng mắt còn lại, phải phẫu thuật đeo mắt giả. Dẫu vậy, nhờ có kết quả học tập tốt và 2 lần đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU dành cho trẻ khiếm thị, Loan được hiệu trưởng một trường trung học ở Cầu Giấy chấp nhận.

Vì việc học của con, bà Hương rời quê lên Hà Nội thuê một căn nhà gần trường. Hàng ngày bà dậy từ 4h sáng đun nước rồi mang bán tại vỉa hè một khu chung cư cách nhà 5km để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Năm 2019, một trường đại học quốc tế có chi nhánh ở Việt Nam trao học bổng toàn phần trị giá 1,5 tỷ đồng cho Loan.

Trong đơn xin học bổng, cô viết về bản thân và nỗ lực vượt khó khi là một người khiếm thị, đồng thời nêu rõ mục tiêu mình cần đạt được trong 4 năm học đại học. “Tôi sẽ tốt nghiệp loại xuất sắc”, Loan cam kết với nhà trường. Loan nói “Em không nhìn thấy quần áo, hình hài mình bằng màu sắc nhưng em cảm nhận được cái đẹp từ tình mẫu tử”.

Con gái Thu Loan xuất sắc giành được học bổng danh giá (Ảnh: VNE)

Có lẽ sống ở đời, không phải ai cũng may mắn có được một cơ thể lành lặn, một gia cảnh tốt đẹp. Có những người dù mang trong mình căn bệnh quái ác, chẳng nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy cuộc đời, thậm chí muốn ngắm mình trong gương cũng là thứ xa xỉ, nhưng chưa bao giờ họ ngừng cố gắng vượt qua hoàn cảnh.

Ngẫm lại nhiều bạn trẻ hiện tại, chân tay lành lặn, gia đình khá giả, thậm chí nhan sắc xinh đẹp bội phần, lại lười học tập, lười lao động, bất hiếu với mẹ cha hoặc sa vào con đường tội lỗi, làm xã hội mỗi ngày ung nhọt thêm.

Lại nói trên đời này, chẳng ai bằng gia đình, sẵn sàng hy sinh đánh đổi mọi thứ chỉ mong con được lớn khôn. Nhưng ông trời nhiều lúc cũng thật bất công, gửi những đứa con ‘tật nguyền’ để thử thách họ. Và khi gặp phải hoàn cảnh ấy, rất nhiều người đã sợ hãi bỏ đi, một số người thì lợi dụng đẩy con ra đường để xin xỏ.

Nhưng cũng có những trường hợp khác biệt – như bà Hương – người mẹ của hai cô con gái tật nguyền – sẵn sàng cãi lại ý trời, sẵn sàng đương đầu với số phận. Đó là một hành trình dài vô tận và can trường, không phải ai cũng đủ dũng cảm để nhận thức con mình ‘có thể làm được’, không buông xuôi hay bỏ mặc con.

Người mẹ nghèo không bao giờ bỏ con (Ảnh: Pháp Luật và Đời Sống)

Đã thế, bà Hương còn là một người nghèo khổ, chỉ kiếm sống bằng nghề buôn gánh bán bưng nhưng bà sẵn sàng bỏ tất cả để lên thành phố, theo từng bước chân của con. Nghị lực và niềm tin mãnh liệt rằng con sẽ thành công, khiến bà can trường hơn tất cả.

Sau cùng, chỉ mong sao câu chuyện này có thể trở thành một thông điệp mạnh mẽ tới các bậc phụ huynh, xin đừng từ bỏ con cho dù có rơi vào hoàn cảnh bi đát nhất. Còn người trẻ, hãy cố gắng mà sống vươn lên, trước hết là cho chính mình, sau nữa là vì gia đình thân yêu. Nên nhớ, đừng bao giờ đổ lỗi cho số phận.

Theo giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X