Đối với nhiều mẹ bỉm sữa, việc ăn thức ăn thừa của con cái là chuyện rất tự nhiên và bình thường như cơm bữa. Tuy nhiên vẫn có nhiều người mẹ vì nhiều lý do khác nhau, họ không muốn ăn đồ con bỏ lại. Mới đây, một người mẹ đã chia sẻ lên mạng xã hội bài tâm sự về vấn đề này, không ngờ tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa các bậc phụ huynh.
Vì không chịu ăn nốt đồ ăn thừa con bỏ lại, người mẹ đã bị bà ngoại mắng cho té tát.
“Hôm qua khi cả nhà ăn tối, đứa con biếng ăn của tôi đã bỏ thừa gần nửa bát cơm chan canh. Lúc tôi định đứng dậy xới bát cơm mới cho mình thì mẹ đã đẩy bát cơm của con sang cho tôi, bảo tôi ăn cho hết đi kẻo uổng phí.
Thật sự tôi không muốn ăn đồ thừa của người khác, dù là con tôi đi nữa nên tôi đã từ chối lập tức. Sau đó mẹ tôi liền bắt đầu than thở rồi mắng mỏ, nói rằng tôi hoang phí không biết tiết kiệm. Bà cho rằng đồ thừa của con mình thì có gì mà đáng ghê tởm? Mẹ nào cũng ăn đồ con bỏ mứa và ngày tôi con bé, bà đã ăn hết thức ăn mà tôi không ăn.
Tôi cảm thấy quan niệm này không hay chút nào. Tôi không phải là một cái thùng rác và tôi không có trách nhiệm phải ăn hết đồ thừa của con. Nhưng nếu tôi không ăn, có vẻ như trong mắt mọi người, tôi không xứng đáng là một người mẹ tốt. Cuối cùng để làm dịu tình hình căng thẳng, bố tôi đã xung phong ăn nốt thức ăn của cháu”.
Ai cũng cho rằng trách nhiệm của một “người mẹ tốt” là giúp con ăn hết đồ ăn thừa.
Bài viết của người mẹ nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến trái chiều về cách xử lý đồ ăn thừa của con cái.
Nhiều phụ huynh cảm thấy rằng, ăn đồ thừa của con là việc không có gì to tát và vì họ không muốn lãng phí thức ăn. Một số người cho rằng việc có ăn đồ con bỏ mứa hay không còn phụ thuộc vào việc thức ăn có ngon không, món bị bỏ lại có đắt tiền hay không.
Có ý kiến khác nói rằng, khi dọn cơm cho trẻ, tránh lấy quá nhiều. Nếu trẻ ăn hết suất, phụ huynh có thể hỏi trẻ có muốn ăn nữa không để lấy thêm. Cách làm này sẽ hạn chế tối đa việc trẻ bỏ mứa, tránh lãng phí thức ăn.
Ăn thức ăn thừa của con, mặc dù là một việc nhỏ nhưng bỗng nhiên lại trở thành tiêu chuẩn mặc định để đánh giá phụ nữ có phải người mẹ tốt hay không.
Từ quan điểm “mẹ phải ăn đồ con bỏ mứa”, cư dân mạng đã chuyển hướng sang một vấn đề khác đáng được quan tâm hơn. Đó là khi một phụ nữ trở thành mẹ, họ rất thường xuyên nhận được ý kiến đánh giá hoặc chỉ trích vì một hành động nào đó trong quá trình chăm sóc con.
Sau khi trở thành mẹ, mỗi lời nói, việc làm hay nhu cầu cảm xúc của phụ nữ dường như bị vùi lấp bởi hai chữ “hy sinh”.
Chẳng hạn: “Mẹ gì mà không chịu ăn đồ con bỏ mứa?”, “Những người mẹ cho con bú sữa công thức thật ích kỷ”, “Mẹ chăm thế nào mà để con ốm nheo ốm nhách vậy?”, “Mẹ gửi con vào nhà trẻ sớm để đi làm có xứng đáng là mẹ tốt hay không?”…
Sau khi trở thành mẹ, mỗi lời nói, việc làm hay nhu cầu cảm xúc của phụ nữ dường như bị vùi lấp bởi hai chữ “hy sinh”. Mọi người cho rằng làm mẹ thì lẽ tất nhiên phải bỏ mặc bản thân để chăm sóc con cho thật tốt. Tất cả thế giới của người mẹ chỉ được phép xoay quanh đứa trẻ.
Quan điểm này vô tình đã tạo nên áp lực nặng nề, trở thành “gông cùm” kiềm hãm sự tự do của nhiều mẹ bỉm sữa. Điều này có thật sự công bằng?
Chúng ta vẫn thường nghe mọi người khen ngợi “mẹ là siêu nhân”. Thế nhưng trong thâm tâm nhiều phụ nữ, đó không phải là lời khen mà là một “vầng hào quang” bị mọi người áp đặt lên mình.
Phụ nữ không cần thiết phải sống theo quan điểm của bất kỳ ai, không cần phải cố gắng thỏa mãn đúng tiêu chí của người ngoài về cách mà chúng ta làm mẹ, nuôi con.
“Siêu nhân” có nghĩa là mẹ phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm nuôi dạy con cái, phải loay hoay chiến đấu với tã bỉm, sữa bột và thức ăn của con quanh năm, phải từ bỏ sở thích và cuộc sống cá nhân để chăm con…
Khi thế giới đang hết lời ca ngợi thiên chức của một người mẹ, ca tụng sự hy sinh vĩ đại của mẹ thì thực tế những lời tung hô đó đang củng cố những quan điểm cứng nhắc về một người mẹ tốt.
Nhưng hãy nhớ rằng, “mẹ” không bao giờ là danh tính đầu tiên của một người phụ nữ. Phụ nữ cũng không cần thiết phải sống theo quan điểm của bất kỳ ai, không cần phải cố gắng thỏa mãn đúng tiêu chí của người ngoài về cách mà chúng ta làm mẹ, nuôi con.
Mẹ cũng chỉ là một người bình thường chứ không phải là siêu nhân.
Sau khi trở thành mẹ, chúng ta vẫn có quyền sợ hãi và rơi nước mắt. Chúng ta có thể lựa chọn ăn hoặc không ăn đồ ăn con bỏ mứa. Đừng tự ép buộc bản thân làm điều mình không thích mà hãy chăm con theo bản năng và trong khả năng lớn nhất của mình, dù có thể nó “không hoàn hảo”.
Hãy nhớ rằng, mẹ cũng chỉ là một người bình thường chứ không phải là siêu nhân. Thực tế không có một khuôn mẫu và tiêu chuẩn thống nhất nào để định nghĩa một người mẹ tốt.