Theo thông tin từ BV Bạch Mai, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, bệnh nhân vào Trung tâm Cấp cứu A9 trong dịp Tết cũng như những ngày đầu xuân tăng cao so với các năm. Hàng ngày, Trung tâm tiếp nhận 200 người bệnh, thì trong dịp Tết và sau Tết, con số lên tới hơn 300 bệnh nhân. Bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên và nhiều bệnh nhân “không nhịn” được qua Tết nhập viện rất nhiều.
Việc người bệnh tăng đột biến gây sức ép lớn đối với kíp trực. Tuy nhiên nhờ có kế hoạch chuẩn bị bài bản từ trước về nhân lực, trang thiết bị, thuốc men và phân cấp lịch trực hài hoà, các bác sĩ BV Bạch Mai vẫn bảo đảm công tác chăm sóc sức khoẻ, điều trị cho người dân.
ThS.BS Nguyễn Minh Anh – Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai cho biết, tình hình bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Đột quỵ trong dịp Tết và những ngày đầu đi làm có chiều hướng gia tăng đột biến với tình trạng lâm sàng nặng và đa dạng các loại rối loạn. Trung tâm luôn cố gắng phân bổ điều trị theo đúng quy định, phác đồ điều trị chuẩn. Dịp Tết, các kỹ thuật cao vẫn được thực hiện thường quy với đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị.
Lý giải nguyên nhân người bệnh đột quỵ tăng đột biến trong dịp Tết, các bác sĩ cho hay, trong dịp Tết, các cơ sở y tế gần như hạn chế hoạt động, số lượng bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên gia tăng. Thêm vào đó, gần Tết, người bệnh ngại đi khám lại, uống đơn cũ hoặc tự ý dừng thuốc đợi ra Tết khám lại, thiếu tuân thủ phác đồ điều trị dẫn đến nguy cơ cao, đặc biệt đối với những bệnh nhân có bệnh nền.
Ngoài ra, trong những ngày Tết, chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu điều độ, thức khuya, ăn đồ chiên rán và rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ đột quỵ.
Đặc biệt, trong số các bệnh nhân nhập viện do đột quỵ dịp này, số lượng người bệnh trẻ tuổi, từ dưới 50 tuổi chiếm tỷ lệ cao, chiếm đến 40%. “Nguyên nhân chủ yếu do người trẻ chủ quan, thiếu sự thăm khám sức khoẻ định kỳ và thường không nghĩ mình có thể mắc các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường. Mặt khác, do thói quen sinh hoạt của người trẻ thiếu khoa học, thường xuyên sử dụng rượu bia, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, thuốc lá điện tử…” – ThS.BS Nguyễn Minh Anh chia sẻ.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân nam 46 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) vào viện 29 Tết (28/1) do liệt nửa người, nói khó. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, điều trị không thường xuyên. Ngày 29 Tết, sau khi ăn trưa, có uống rượu, bệnh nhân có xuất hiện nói khó, liệt nửa người trái. Kết quả chiếu chụp tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy bệnh nhân bị chảy máu não. Bệnh tình có chiều hướng tiến triển nặng, nguy cơ cao xảy ra các rối loạn khác. Sau 5 – 6 ngày điều trị tích cực, cơ lực đã dần hồi phục.
Để phòng ngừa đột quỵ trong dịp đầu xuân, bác sĩ khuyến cáo, trong các bữa tiệc đầu xuân, mọi người cần chú ý ăn các món ăn được chế biến ở dạng hấp, luộc, hạn chế dầu mỡ… Trong trường hợp bất khả kháng buộc phải dùng bia rượu, chỉ dùng ít, không quá một lon bia một ngày. Cố gắng duy trì vận động thể lực.
Với các bệnh nhân có bệnh nền trước đó như tăng huyết áp, tiểu đường…, cần tuân thủ uống thuốc điều trị bác sĩ đã kê trước đó. Tuyệt đối không vì vui quá hoặc có tiệc tùng mà không dùng thuốc, có thể dẫn đến đột quỵ.
Không chỉ trong dịp Tết mà kể cả những ngày thường, nên đi khám sức khỏe định kỳ và tầm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như tiểu đường, huyết áp, cholesterol máu… để kiểm soát kịp thời giúp phòng ngừa bệnh.
Các triệu chứng của đột quỵ được thể hiện thông qua chữ “FAST”. Trong đó:
– F là Face (mặt) – bệnh nhân đột ngột méo miệng.
– A là Arms (cánh tay) – bệnh nhân đột ngột liệt nửa người.
– S là Speech (khả năng nói) – bệnh nhân đột ngột nói đớ, giọng nói thay đổi hoặc thậm chí không nói được.
– T là Time (thời gian) – bệnh nhân cần phải được đưa tới cơ sở y tế, bệnh viện càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong khoảng thời gian vàng để có thể can thiệp và xử trí kịp thời.
Nguồn: https://giadinhmoi.vn/gia-tang-benh-nhan-dot-quy-trong-dip-nghi-tet-nguyen-dan-d91327.html