Nhật Bản đang vật lộn với một đợt bùng phát cúm mùa nghiêm trọng từ cuối năm 2024, khi ghi nhận số ca mắc hàng tuần cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi chép số liệu vào năm 1999.
Sang đầu năm 2025, tình hình dịch cúm tại Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó Bệnh viện Shizuoka đã phát hiện một số trường hợp nhập viện với các triệu chứng bệnh liên quan đến não hoặc viêm phổi sau khi mắc cúm, thậm chí đã có ca tử vong ở trẻ em.
Mới đây nhất, minh tinh Đài Loan (Trung Quốc) Từ Hy Viên qua đời tại Nhật Bản vì cúm và viêm phổi, ở tuổi 48. Thông tin được người thân nữ diễn viên xác nhận.
Cúm Nhật Bản là gì?
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do Influenza virus lây nhiễm vào mũi, họng và phổi. Tại Việt Nam, cúm mùa thường lưu hành quanh năm, nhưng có xu hướng tập trung vào mùa Đông, Xuân. Các chuyên gia cảnh báo, đỉnh điểm mùa cúm có thể rơi vào khoảng tháng 2 – 4 và tháng 9 – 10 hằng năm.
Cúm mùa thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng hoặc tử vong ở nhóm người nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền,…
Cúm Nhật Bản là bệnh cúm mùa lưu hành tại Nhật Bản. Cách gọi tên cúm theo quốc gia như “cúm Nhật Bản”, “cúm Úc” hoặc “cúm Tây Ban Nha” thường mang tính phổ biến trong cách nói đời thường.
Đây là một cách gọi dễ gợi hình, nhưng xét từ khía cạnh khoa học và y tế, cúm không có “quốc tịch” hay một nguồn gốc cố định cụ thể theo quốc gia, mà nó là kết quả của sự lưu hành và biến đổi các loại virus cúm (Influenza virus) ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Việc gắn tên cúm với một quốc gia thường dựa trên bối cảnh địa lý hoặc lịch sử mà virus cúm được phát hiện hoặc lây lan mạnh mẽ tại nơi đó.
Hiện, trung bình có khoảng 1 tỷ ca nhiễm cúm hằng năm, trong đó có từ 3 đến 5 triệu trường hợp diễn tiến nặng. Cúm mùa vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất thế giới, với gần 650.000 ca tử vong hằng năm.
Triệu chứng cúm mùa
Những người bị cúm mùa thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng như sốt, cảm thấy sốt hoặc ớn lạnh; ho; đau họng; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; đau nhức cơ bắp hoặc cơ thể; nhức đầu; mệt mỏi…
Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù tình trạng này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
Các triệu chứng của bệnh cúm mùa thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp khác. Để xác định chính xác nguy cơ mắc cúm và điều trị hiệu quả, cần đến bệnh viện khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
Cách điều trị cúm mùa
Người nghi ngờ nhiễm cúm cần được cách ly y tế và đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Đối với trường hợp bệnh nhẹ, không có biến chứng, người bệnh có thể không cần thực hiện xét nghiệm hoặc điều trị tại cơ sở y tế. Bệnh nhân có thể điều trị tại nhà với các biện pháp như hạ sốt bằng thuốc Paracetamol khi sốt trên 38,5 độ; uống nhiều nước, đảm bảo cân bằng chất điện giải; đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
Đối với các trường hợp cúm có biến chứng nặng, bệnh nhân cần được nhập viện điều trị và theo dõi.
Phòng bệnh cúm mùa
Cúm không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn đặt ra những tác động nghiêm trọng tới cộng đồng và hệ thống y tế. Vì vậy, tiêm vaccine phòng cúm hàng năm là biện pháp phòng bệnh khoa học và hiệu quả nhất, đồng thời hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trước các chủng virus cúm liên tục biến đổi mỗi mùa.
Tại Việt Nam – môi trường nhiệt đới với diễn biến cúm mùa xảy ra quanh năm – người dân có thể tiêm phòng cúm tại bất kỳ thời điểm nào để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất, nên chủng ngừa cúm ít nhất 2 tuần trước khi vào mùa dịch, vì cơ thể cần khoảng thời gian đó để sản sinh kháng thể chống lại virus cúm.
Đối với trẻ em dưới 9 tuổi chưa từng tiêm phòng cúm, cần lưu ý rằng trẻ sẽ phải tiêm hai liều vaccine, cách nhau ít nhất 4 tuần. Vì vậy, quá trình tiêm phòng cần được bắt đầu sớm hơn để đảm bảo trẻ được bảo vệ đầy đủ trước khi mùa cúm bùng phát mạnh.
Bên cạnh đó, nền thường xuyên vệ sinh nhà ở, nơi làm việc. Bảo vệ mũi, họng bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, làm ẩm mũi bằng nước muối sinh lý khi thời tiết khô.
Cần tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và từ bỏ thói quen thuốc lá. Tập thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khi về đến nhà, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh để phòng cúm hiệu quả.
Nguồn”: https://giadinhmoi.vn/cum-nhat-ban-la-gi-vi-sao-khong-nen-xem-nhe-d91328.html