Con cái ích kỷ, đa phần do cha mẹ, đừng cho con tài sản hãy cho những gì con xứng đáng

Những đứa trẻ ích kỷ luôn có lý do và phần lớn xuất phát từ sự cho đi tất cả của cha mẹ.

Khi bước ra khỏi thế giới gia đình nhỏ bé, những đứa trẻ tự cho mình là trung tâm vũ trụ sẽ luôn cảm thấy bản thân không được quan tâm và yêu thương. Đứa trẻ sẽ không bao giờ có được niềm vui và sự thoải mái mà cha mẹ đã ban cho mình một cách vô điều kiện.

Quen với việc được cung cấp sẵn “tài nguyên”, đứa trẻ ích kỷ khi không được phục vụ sẽ phát triển các giá trị không chính xác.

Có một câu chuyện thế này. Một cậu con trai tốt nghiệp trung học muốn đi du học Mỹ. Gia đình cậu bé không đủ giàu có để chu cấp cho toàn bộ chi phí suốt những năm cậu học đại học ở nước ngoài. Vì vậy, bố mẹ cậu đã quyết định bán đi đất đai, nhà cửa để nuôi dưỡng ước mơ đặt chân đến đất Mỹ của con. Cậu con trai đã cố gắng học hành và tốt nghiệp, có được một công việc ổn định và quyết định sắm sửa cơ ngơi. Bố mẹ cậu rất vui vì con đã thành đạt. Họ ngỏ ý muốn được đoàn tụ với con cháu trong những năm tháng tuổi già. Thật bất ngờ, cậu con trai ngày nào đã đề nghị với bố mẹ rằng nếu muốn chuyển qua Mỹ sinh sống, họ phải trả tiền thuê nhà song phẳng. Người cha buồn bã nghe con bàn bạc, tự hỏi mình đã sai ở đâu để bây giờ con cái quay lưng với mình như vậy.

Bỏ qua sự ích kỷ, một đứa trẻ lớn lên với nhân tính méo mó

Nhiều người cho rằng lẽ ra người cha không nên giao tất cả tài sản của gia đình cho con mình. Một đứa trẻ đã trưởng thành mà bỏ qua gánh nặng cuộc sống của cha mẹ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân đã cho thấy sự ích kỷ hẹp hòi khó dung thứ và hành vi đòi tiền thuê nhà của cha mẹ chỉ là một biểu hiện méo mó hơn của sự ích kỷ đó.

hình ảnh

Một đứa trẻ ích kỷ không chỉ bất nghĩa với người thân mà còn nhẫn tâm với chính cha mẹ của mình. Khi hai con còn nhỏ và cần có người chăm sóc ở nhà, cô Tuyết ngọt ngào thuyết phục mẹ nghỉ dạy tại trường tiểu học nơi bà gắn bó cả một đời giáo dục vì lý tưởng chỉ để làm bảo mẫu cho con gái mình trong suốt 6 năm ở Mỹ, nơi mà cả ngôn ngữ lẫn nơi sống đều không quen thuộc với bà. Người mẹ già trong mắt cô Tuyết không chỉ rảnh rỗi mà còn đáng tin ít nhất so với hàng trăm vú nuôi đã từng thay như thay áo. Đến lúc người mẹ già đi, yếu ớt hơn, cô Tuyết cảm thấy gánh nặng bắt đầu ập đến. Nếu để mẹ ở lại Mỹ, chi phí y tế sẽ là con số khủng khiếp, thế nên cô đã gởi mẹ về lại quê nhà xưa để sống cùng anh trai với lời hứa hỗ trợ tiền bạc hàng tháng lo thuốc men.

Những câu chuyện buồn kể trên không khó bắt gặp ở đâu đó xung quanh chúng ta. Những đứa trẻ từng được cung phụng có những nguồn lực hoặc cơ hội mà những đứa trẻ khác không thể có. Nếu lúc đó, các bé cũng được dạy dỗ về lòng biết ơn thì kết quả có thể đã khác. Nhưng nhiều cha mẹ lại nhầm tưởng rằng đứa trẻ có phần ích kỷ vì nó là đứa trẻ thông minh hơn hoặc có năng lực. Với những gia đình có điều kiện, họ còn cho đó là một đặc quyền. Cứ thế họ cho phép sự tha thứ không giới hạn và dần dần vô tình dung túng đứa trẻ phát triển tính ích kỷ cá nhân.

Đứa trẻ ích kỷ được nuông chiều không có sự đồng cảm đối với việc phân bổ các nguồn lực và từ đó phát triển các giá trị không chuẩn mực. Đó là sai lầm mà nếu không sửa chữa nó sẽ hình thành nên một nhân cách méo mó. Cha mẹ có trách nhiệm cảnh giác trong việc giáo dục cơ bản và đừng bỏ qua những giá trị hay thái độ phản ánh sự vị kỷ trong những vấn đề dù tầm thường, để không phải thốt lên lời đau đớn vào một ngày không xa trong tương lai, khi con cái trưởng thành.

Nuông chiều quá mức làm mất đi khả năng chăm sóc người khác của trẻ

“Con không thích…”, “con không muốn…” là những câu trẻ thường thốt lên khi đòi hỏi một món đồ theo sở thích. Phải nói thế nào để trẻ hiểu và không làm quá lên sở thích hay yêu cầu của cá nhân đó là trách nhiệm của cha mẹ.

hình ảnh

Đừng yêu thương con cái một cách khoan dung bất kể nguyên do và cũng đừng tước đi khả năng quan tâm đến người khác của những đứa trẻ. Nếu con chỉ biết có mình mà không cần phải nghĩ hay cảm thông cho người khác thì đó là một mối họa trong tương lai. Dù chỉ là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng đó là cách hun đúc nên cách nhìn của một đứa trẻ về thế giới xung quanh mình, trong đó có những con người và những mối quan hệ bổ sung, qua lại lẫn nhau. Triết gia người Pháp Montaigne đã từng nói một câu rất hay: “Trẻ con giống như cái bao tử của chúng ta, không cần phải cho ăn quá nhiều”. Dù là thức ăn hay tình yêu thì chúng đều giống nhau. Cái gì quá đều không tốt.

Thế hệ trẻ bây giời, việc trẻ nhỏ ngồi xem TV và chờ bố mẹ dọn cơm, dâng tận miệng hay mời rát họng để vào bàn ăn đã trở nên quá phổ biến. Ai sẽ phải là người trả lời cho thực tại này, là cha mẹ hay những tác động xã hội???

Nếu các bậc cha mẹ muốn có một bầu không khí gia đình ôn hòa và ý thức đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, hãy để cho con mình có cơ hội được bảo vệ người khác, chăm sóc người xung quanh mình thay vì tận hưởng những gì điều kiện gia đình dâng hiến. Những gì các con có được nhất thiết phải xuất phát từ sự xứng đáng. Trẻ nhỏ trước tiên phải học được chữ lễ, biết kính trên nhường dưới, biết phân biệt các thế hệ trước sau, lớn bé. Đừng để cả thế giới quay lưng với con chỉ vì con được yêu thương quá mức bởi vì khi đó, đứa trẻ bước ra khỏi thế giới gia đình mình sẽ chỉ là những đứa trẻ tự cao tự đại, luôn bơ đi với nhu cầu được quan tâm của những người xung quanh và không bao giờ cảm thấy mình hạnh phúc chỉ vì nó không tìm đâu được sự dễ dãi mà cha mẹ nó đã ban phát cho một cách vô điều kiện.

Theo Webtretho Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://www.webtretho.com/f/goc-lam-me/con-cai-ich-ky-da-phan-do-cha-me-dung-cho-con-tai-san-hay-cho-nhung-gi-con-xung-dang
BÀI LIÊN QUAN
X