Cây dại mọc ngoài đường lên chậu có giá tiền triệu: Chủ bội thu mùa Tết

Những tưởng nhiều cây dại mọc đầy đường chẳng có tác dụng gì, nhưng nhờ đôi bàn tay khéo léo, chúng lại có thể giúp mình ‘hái ra tiền’ đấy. Chị em tin không?

Đây này, theo bài đăng trên trang Người Đưa Tin em đọc được, anh H., 34 tuổi, ngụ ở thành phố Đà Nẵng đã nghĩ đến việc đưa cây dại vào chậu rồi ‘phù phép’ trở thành cây bonsai bán ra với cái giá từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng tùy theo kiểu dáng và kích thước. Trước giờ chẳng mấy ai để tâm đến những loại cây hoa dại mọc đầy đường nhưng từ niềm đam mê với các loại cây này và hiểu sở thích của một số khách hàng có thú chơi cây cảnh ‘lạ’ nên anh H. đã thành công ngoài mong đợi.

hình ảnh

Ảnh chụp một trong các loại cây dại mọc đầy đường được hô biến thành bonsai. Nguồn: Tri thức Cuộc sống.

Những chậu cây hoa kiểng bonsai dù ít cành nhưng kiểu dáng tổng thể rất đẹp, mang đến cảm giác vô cùng thoải mái cho người nhìn. Có lẽ vì điều này nên tuy giá của mỗi chậu bonsai không rẻ, nhưng nhiều người vẫn chịu chi để mua về chưng Tết. Theo chia sẻ của anh H. tính ra từ đầu năm ngoái 2022 đến giờ, bình quân mỗi tuần anh bán được khoảng 20 cây.

Cùng đam mê cây dại, anh T., 35 tuổi, ở Đắk Lắk cho biết trước đó cơ duyên đưa đẩy anh đến với nghề khi tình cờ nhìn thấy hoa mắc cỡ trên mạng xã hội, rồi anh tìm hiểu và trồng thử mới nhận ra cây này có tiềm năng phát triển để ‘hái ra tiền’. Thời gian đầu, bắt tay vào làm nghề, anh T. gặp nhiều khó khăn bởi chưa hiểu đặc tính của cây cũng như cách bảo quản, chăm sóc. Sau nhiều lần thất bại, anh học hỏi và rút kinh nghiệm, đến thời điểm này anh đã sở hữu khoảng 500 cây cùng phôi bon sai.

Tùy theo loại, nếu trồng 2 tháng cây sống khỏe thì sẽ có giá từ 200.000 – 500.000 đồng, còn nếu cây được chăm tốt với thời gian dài hơn đến 6 tháng chắc chắn cây sẽ khỏe đẹp hơn thì sẽ có giá lên đến vài triệu. Với tầm giá này, trung bình mỗi ngày anh T. bán được 5 cây, thậm chí có hôm khách mua nhiều đến không kịp bán.

Loài cây dại có kích cỡ nhỏ thường được ghép vào cùng với đá hoặc lũa (một phần lõi gốc cây khô) để nâng cao giá trị và tạo giá trị thẩm mỹ hơn cho cây bonsai. Mỗi người mỗi gu thẩm mỹ khác nhau, nhưng trước tiên cứ thấy cây khỏe khoắn là đã ‘ghi điểm’, rồi sau đó đến các yếu tố khác như độ râm của cành…

hình ảnh

Ảnh: Loạt cây dại lên chậu cảnh hút người mua. Nguồn: Người Đưa Tin.

Anh X., ngụ ở TP.HCM chia sẻ bản thân cũng mê cây cảnh lắm, đặc biệt là loại cây mắc cỡ nên để thỏa mãn niềm đam mê, anh đã rong ruổi khắp cánh đồng cỏ ở nhiều nơi để đào lên tìm phôi của cây này, bất kể đó là ngày cuối tuần hay ngày thường. Ban đầu đúng là cha con anh gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm nên cây mới lớn một chút lại tàn. Tuy nhiên, anh quyết không bỏ cuộc nên đã lên mạng tìm hỏi và xin phôi về trồng.

Đến nay, mọi thứ gần như đã được ổn định. Dù vậy, không phải cây nào anh T. cũng bán, một số cây có dáng khá đẹp vẫn khiến anh lưỡng lự. Đã có người hỏi mua và trả anh 1 – 2 triệu/cây, thậm chí có người ở Đà Lạt còn bảo tiền bạc không thành vấn đề cứ gửi ra đi rồi họ trả tiền, song anh lại chưa muốn bán. Nguyên nhân vì anh tiếc cây đẹp, muốn giữ lại.

hình ảnh

Ảnh trái: Ảnh chụp cây dại mọc đầy đường. Ảnh phải: Anh H. đang say sưa với chậu bonsai. Nguồn: Tri thức Cuộc sống.

Trong kinh doanh, quan trọng nhất là hiểu và nắm bắt được tâm lý, sở thích của khách hàng. Nhờ đó chúng ta mới khai thác sản phẩm và phục vụ đúng nhu cầu của họ. Không chỉ vậy, còn phải không ngừng sáng tạo, đổi mới và đặc biệt là ‘biến những thứ tưởng chừng như bỏ đi’ thành các loại sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao. Đấy là việc đáng làm và đang được khuyến khích trong thời buổi hiện nay.

Tất nhiên đi trước đón đầu, khởi sự cái gì cũng đều có những thất bại và khó khăn riêng nhưng từ vấp ngã đó, chúng ta mới có kinh nghiệm nhiều hơn để tiếp tục bước tới và thành công.

Em kể câu chuyện nhặt cây dại mọc đầy đường rồi bỏ vào chậu và ‘hô biến’ thành cây độc lạ thu tiền triệu ra đây không phải để khuyên tất cả chị em học theo cách làm này kiếm tiền về cho gia đình, mà để chị em biết rằng chúng ta phải ‘mở con đường mới’ bằng niềm đam mê, kiến thức và kinh nghiệm thì mới giàu có và thành công trong thời buổi kinh tế thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay. Thay vì đi sau thành công của người khác, chúng ta nên học hỏi cách mà họ phát triển, rút kinh nghiệm để vận dụng vào việc kinh doanh của chính mình.

Theo WTT Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://www.webtretho.com/p/cay-dai-moc-ngoai-duong-len-chau-co-gia-tien-trieu-chu-boi-thu-mua-tet
BÀI LIÊN QUAN
X