Việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 đang được tiến hành gấp rút ở các địa phương trên cả nước. Thông thường, với những trường hợp khỏe mạnh, không rơi vào các đối tượng đặc biệt thì được tiêm tập trung ở cộng đồng, tại các Trạm Y tế xã. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bắt buộc phải tiêm ở bệnh viện hoặc TTYTDP.
Trên báo NLD, bạn đọc Nguyễn Mỹ (TP HCM) hỏi: ”Trong xóm tôi nhiều người có bệnh cao huyết áp, tiểu đường… vẫn được tiêm Covid-19 mũi 1 ở một trường học khi về rất khỏe, trong khi một số khác lại buộc tiêm ở bệnh viện. Vậy mũi 2 làm sao biết bệnh nền có đủ an toàn khi tiêm cộng đồng?”
Trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 – TP HCM) trả lời:
Chỉ có bệnh nền không ổn định mới cần cẩn trọng khi tiêm chủng và cũng không phải tình huống chống chỉ định.
Bệnh nền ổn định là người bị tim mạch, huyết áp, tiểu đường, suyễn, bệnh tuyến giáp… uống thuốc đều, kiểm soát tốt, vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường. Những người này tiêm ở cộng đồng vẫn an toàn, không sao hết.
Nhóm cần thận trọng là người bệnh nền không ổn định, là những người có uống thuốc nhưng vẫn phải ra vô bệnh viện hoài.
Một số dấu hiệu nguy hiểm sau khi tiêm Covid-19
Bộ Y tế lưu ý, khi thấy một trong 8 dấu hiệu sau, người được tiêm vaccine COVID-19 cần liên hệ đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:
– Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
– Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
– Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
– Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
– Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
– Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
– Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
– Toàn thân:
Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường
Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.
Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.