1. Con không tội nghiệp bản thân
Không được vào đội bóng, không được mời dự tiệc sinh nhật hoặc bị điểm kém dù con đã học bài,… là một phần của tuổi thơ.
Khi những điều này xảy ra, cảm giác buồn bã là bình thường. Tuy nhiên những suy nghĩ tự thương hại bản thân có thể trở nên phóng đại quá mức, dẫn đến cảm giác tuyệt vọng.
Ví dụ khi thú cưng mất đi, suy nghĩ buồn bã sẽ là “Mình sẽ rất nhớ Rex”, còn suy nghĩ tự thương hại sẽ là “Đó là chó của mình, sẽ chẳng có ai khác nhớ nó nhiều như mình”.
Vậy làm thế nào để giúp con có tinh thần mạnh mẽ hơn nếu con thường tội nghiệp bản thân?
Hãy giúp con nhận ra khi những suy nghĩ tiêu cực quá mức và thay thế bằng những suy nghĩ đúng đắn khác.
Ví dụ như: “Đúng vậy, con thân với Rex nhất, nhưng tất cả chúng ta đều sẽ nhớ Rex vì nó là một phần của gia đình chúng ta”.
2. Con tự trao quyền cho bản thân
Những đứa trẻ có tinh thần mạnh mẽ không cho bất kỳ ai khác quyền kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của mình.
Đã bao lần bạn để những bình luận xấu tính về trang phục của mình làm thay đổi cách bản thân bạn cảm nhận về nó? Đó chính là đánh mất quyền lực của mình.
Hãy giúp con bạn duy trì quyền lực của bản thân bằng những câu nói khích lệ để lấn át những suy nghĩ tiêu cực, ví dụ như: “Tôi có thể làm được! Tôi sẽ làm hết sức mình! Tôi rất tốt!”
Đồng thời, hãy khuyến khích con nghĩ xem vì sao người khác lại nói những lời như vậy. Có những người chỉ trích người khác để bản thân cảm thấy tốt hơn.
3. Con thích ứng với sự thay đổi
Trẻ em thường không có tiếng nói trong việc thay đổi cuộc sống của mình. Ví dụ khi chuyển đến trường học mới, bố mẹ ly hôn, hoặc một người bạn chuyển đi
Cách trẻ phản ứng với sự thay đổi nói lên rất nhiều về sức mạnh tinh thần của chúng.
Một ý tưởng để giúp con bạn vững vàng về mặt tinh thần là giúp con gọi tên cảm xúc của con khi trải qua thay đổi, ví dụ như sợ hãi, ghen tị, bất lực.
Khi chúng có thể gọi tên những cảm xúc mà sự thay đổi gây ra đối với mình, trẻ sẽ có thể nghĩ ra cách thích nghi tốt hơn.
4. Con kiên trì
Một đứa trẻ có tính kiên trì sẽ tiếp tục hướng tới một mục tiêu ngay cả khi không nhận được kết quả ngay lập tức.
Những đứa trẻ kiên trì sẽ chăm chỉ làm việc nhà để tiết kiệm tiền mua xe đạp, tập đàn piano ngay cả khi liên tục chơi sai cùng một nốt, và nhờ giáo viên giảng lại bài chưa hiểu sau giờ học.
Trái lại với đứa trẻ kiên trì là đứa trẻ thiếu kiên nhẫn, thờ ơ và luôn bao biện.
Để xây dựng tính kiên trì, hãy yêu cầu con bạn đưa ra một mục tiêu có thể đo đạc được và theo dõi sự tiến bộ của con.
Con cũng có thể tự viết cho mình một lá thư nhắc nhở rằng con có thể làm những việc khó khăn.
5. Con tạo ra tương lai của mình
Trẻ có thể bắt đầu tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho mình chỉ với một vài thói quen đơn giản.
Những đứa trẻ mạnh mẽ không để người khác định nghĩa chính mình. Chúng đặt mục tiêu, thử thách bản thân, khám phá và nỗ lực.
Một cách tuyệt vời để xây dựng phẩm chất này là cho con bạn lập kế hoạch “nếu… thì…”.
Một ví dụ về kế hoạch “nếu… thì…” là nộp hồ sơ thi đại học.
“Nếu tôi không đỗ trường này, tôi sẽ nộp hồ sơ vào trường này….”
Khi con đã có sẵn kế hoạch tốt, con sẽ dũng cảm hơn và dám tiến về phía trước
Nguồn: https://giadinhmoi.vn/5-dau-hieu-chung-to-con-ban-co-tinh-than-manh-me-kien-cuong-d59244.html