Trẻ biết ‘cãi’ là dấu hiệu đáng mừng

Đọc sách cùng con là lúc lý tưởng để dạy con tư duy phản biện Làm cách nào để giúp trẻ hỏi đúng, ‘cãi’ đúng, ‘cãi’ mà vẫn lễ phép và thông minh chứ không phải ‘cãi cùn’? Các bố mẹ hãy thử 7 cách sau để trẻ ‘cãi’ một cách cần thiết và đúng

   Đọc sách cùng con là lúc lý tưởng để dạy con tư duy phản biện

Đọc sách cùng con là lúc lý tưởng để dạy con tư duy phản biện

Làm cách nào để giúp trẻ hỏi đúng, ‘cãi’ đúng, ‘cãi’ mà vẫn lễ phép và thông minh chứ không phải ‘cãi cùn’? Các bố mẹ hãy thử 7 cách sau để trẻ ‘cãi’ một cách cần thiết và đúng đắn nhé!

1. Tạo văn hóa tranh luận trong gia đình

Nếu con bạn không bao giờ đưa ra câu hỏi lật ngược vấn đề, ngoan ngoãn theo kiểu ‘bảo gì làm nấy’, có thể bạn nên xem lại xem mình có quá áp chế với con hay không?

Một bầu không khí thoải mái, cởi mở trong gia đình là nơi nuôi dưỡng sự tự tin và tư duy phản biện của con trẻ.

Mặc dù con trẻ vẫn cần sự chăm sóc của cha mẹ rất nhiều, nhưng việc tôn trọng các con không bao giờ là quá sớm. Các bố mẹ tuyệt đối tránh nói hoặc hành động theo kiểu: ‘Bố mẹ luôn luôn đúng’, ‘Trẻ con thì phải ngoan, cấm cãi’…

Các con hoàn toàn có thể có lựa chọn và suy nghĩ của riêng mình, và cha mẹ cần tôn trọng điều đó. Đôi khi, nếu cha mẹ làm gì sai (ngay cả khi con bạn cũng không đúng trong tình huống đó), cha mẹ nên xin lỗi con. Nếu muốn con làm theo hướng dẫn của mình, đừng chỉ nêu mệnh lệnh, cha mẹ cần giải thích rõ ràng vì sao nên làm việc này, không nên làm việc kia.

2. Giúp con biết cách ‘cãi’ lễ phép

Nếu được tạo môi trường cởi mở, con sẽ quen với việc đưa ra ý kiến riêng của mình. Tuy nhiên, sẽ rất không ổn nếu xảy ra tình trạng ‘dân chủ thái quá’: việc gì cũng cãi; bố mẹ đang nói con sẵn sàng ngắt lời; đỏ mặt tía tai cãi tay đôi với bố mẹ…

Cha mẹ nên hướng dẫn con một số cách nói có thể sẽ hữu ích khi con muốn mở lời, ví dụ: ‘Con nghĩ là…’; ‘Con thấy như thế này…’; ‘Nếu con được chọn thì con sẽ làm theo cách này…’.

Một điều mà bố mẹ cũng cần giúp con hiểu là: Trong gia đình, bố mẹ là người đặt ra các nguyên tắc – giống như trọng tài trong một trận đấu vậy. Con cần tuân theo các nguyên tắc của gia đình, cho đến khi nào con hoàn toàn trưởng thành và có thể sống độc lập ngoài gia đình.

Hiểu được giới hạn của sự phản ứng, cách phản ứng lịch sự, thông minh cũng là một kỹ năng hữu ích với con trong quá trình học tập cũng như môi trường công sở sau này.

  Tư duy mở là không bao giờ nói: 'Trẻ con phải nghe lời, cấm cãi!'

Tư duy mở là không bao giờ nói: ‘Trẻ con phải nghe lời, cấm cãi!’

3. Dạy con cách đặt câu hỏi

Cái lõi của tư duy phản biện là đặt câu hỏi. Không như mọi người nghĩ, đặt câu hỏi đúng đôi khi còn khó hơn tìm ra câu trả lời.

Có 6 câu hỏi cơ bản để bóc tách chi tiết của mọi vấn đề, thường được viết tắt là 5W – 1H. Bạn có thể biết mô hình này, đó là: What – Cái gì; Who – Ai, When – Bao giờ, Where – Ở đâu, Why – Vì sao. Và cuối cùng: How – Như thế nào.

Đây là 5 ‘từ khóa’ để con bạn xem xét các khía cạnh của vấn đề. Câu hỏi ‘Why’ – tại sao là then chốt.

Khuyến khích các bé đặt câu hỏi này thường xuyên sẽ giúp bé xem xét một vấn đề dưới nhiều góc độ, lật đi lật lại vấn đề.

Chính bản thân cha mẹ, khi trò chuyện với con cũng nên thường xuyên hỏi: ‘Tại sao con nghĩ vậy?’, ‘Tại sao con thích nhân vật này, nhân vật kia’, ‘Theo con thì tác giả có ý gì ở đây?’…

Đừng đưa ra các câu hỏi theo kiểu ‘Yes or No’ hay câu hỏi có đáp án chính xác. Hãy là một người đối thoại có tư duy phản biện, nếu bạn muốn trẻ yêu thích phản biện.

   

Bằng cách hỏi đúng, bạn sẽ khuyến khích trẻ nói, lập luận, giải thích những suy nghĩ của mình.

Đó là bước khởi đầu để hình thành kỹ năng xem xét, trình bầy vấn đề một cách logic – kỹ năng đặc biệt cần thiết và hữu ích trong suốt cuộc đời của bé.

4. Cùng trẻ so sánh và đối chiếu các đối tượng

Đây đơn giản là việc giúp trẻ so sánh hai sự vật, hai con người có gì giống, có gì khác nhau. Ví dụ như việc so sánh quả cam – quả táo, so dánh hai cô búp bê, so sánh hai ngôi nhà của hàng xóm,…

Thậm chí, so sánh hai truyện cổ tích, so sánh truyện cổ tích với đời thực… cũng là một trò chơi vui và hữu ích.

So sánh, đối chiếu là cách rất vui để khuyến khích tư duy phản biện. Trẻ sẽ cần phải phân tích các khía cạnh để biết hai đối tượng có gì giống và khác nhau.

Khi nhìn ra điểm khác nhau, đồng nghĩa với việc các em sẽ hình thành thói quen suy nghĩ không theo khuôn mẫu.

5. Khuyến khích trẻ thảo luận và hợp tác với các bạn

Khi trẻ cùng học, cùng chơi – các em sẽ phát triển khả năng phản biện. Bé sẽ học hỏi từ bạn rất nhiều, đồng thời với quá trình đó bé sẽ nhận ra: có nhiều cách để giải quyết một vấn đề.

   Cho trẻ chơi với cát, bóng bay... là những cách lý tưởng để phát huy tính sáng tạo và tinh thần hợp tác

Cho trẻ chơi với cát, bóng bay… là những cách lý tưởng để phát huy tính sáng tạo và tinh thần hợp tác

Khi chia sẻ các ý tưởng, bé phải tranh luận để bảo vệ ý kiến của mình. Đây là cơ hội phát triển kỹ năng lập luận.

Hãy cho trẻ chơi những trò chơi kích thích trí sáng tạo, như nước, cát hay bóng bay… Bạn có thể bất ngờ khi con có khả năng sáng tạo vô số trò chơi mới với những đồ chơi quen thuộc.

6. Kể chuyện nhưng đừng đưa ra đoạn kết

Một đôi khi, bạn có thể kể một câu truyện cổ tích nhưng không đưa ra hồi kết. Yêu cầu trẻ tự nghĩ ra cái kết truyện mà con muốn.

Đây là một cách để khuyến khích kỹ năng phản biện của trẻ. Trẻ cần ‘gom’ các thông tin đã nghe được từ câu truyện, sáng tạo thêm, vẽ ra cái kết theo cách riêng của bé.

Một cách khác tương tự là hỏi bé: ‘Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo’, với một câu chuyện cổ tích quen thuộc mà bé đã biết hồi kết.

7. Dạy trẻ đánh giá độ tin cậy của thông tin

Nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng thực ra lại rất đơn giản để hướng dẫn bé điều này.

Bé con của bạn có thể rất ngây thơ, nhưng nếu bé đã bắt đầu vào lớp 1, thì việc dạy bé điều này đơn giản là giúp con không tin vào một ‘người lạ’, khi người này đợi sẵn ở cổng trường và bảo: ‘Đi theo chú ra đây, chú cho kẹo’.

   

Dạy con tư duy phản biện trong tình huống này đơn giản là giúp con lần lượt tự đặt ra 3 câu hỏi và tự trả lời. Đó là:

– Ai đang nói chuyện với bé?

– Đó có phải là người quen thuộc, đáng tin cậy hay không?

– Người nói có chịu trách nhiệm về việc mà họ nói hay không?

Ví dụ: Ở bệnh viện thì bác sĩ, y tá là người chịu trách nhiệm về khám bệnh cho bé. Sẽ là bình thường nếu họ yêu cầu bé cởi bỏ quần áo để khám bệnh.

Nhưng nếu không phải bác sĩ, một chú bảo vệ yêu cầu bé cởi bỏ quần áo thì chắc chắn không phải điều bình thường…

Chắc chắn bạn biết những mối nguy hiểm nào sẽ xảy đến với con nếu con tin bất cứ điều gì, từ bất cứ ai, phải không? Vậy hãy dậy con tư duy phản biện càng sớm càng tốt nhé!

Phương Phương

BÀI LIÊN QUAN
X