Tiếng khóc xé lòng của 2 đứa trẻ mồ côi mẹ vì Covid-19, khát thèm hộp sữa

Dãy trọ ở ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (TPHCM) có hàng chục hộ dân là F0. Những ngày dịch bệnh hoành hành, con đường dẫn vào đây thêm tiêu điều vắng lặng khi bị phong tỏa. Men qua những bao ve chai đồ đạc lỉnh kỉnh xếp phía ngoài là đến căn

Dãy trọ ở ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (TPHCM) có hàng chục hộ dân là F0. Những ngày dịch bệnh hoành hành, con đường dẫn vào đây thêm tiêu điều vắng lặng khi bị phong tỏa. Men qua những bao ve chai đồ đạc lỉnh kỉnh xếp phía ngoài là đến căn nhà trọ của gia đình anh Huỳnh Văn Ngon (30 tuổi, quê Kiên Giang).

Nhói lòng cảnh những đứa trẻ mồ côi khát sữa đòi mẹ

Đã 3 tuần qua, anh Ngon không còn người đầu ấp tay gối bên cạnh. Căn nhà trọ nghèo, lâu nay ấm nóng hạnh phúc gia đình, giờ đây quạnh quẽ, đìu hiu, trống trải. Nhất là khi hai đứa nhỏ đói ăn, khát sữa la hét đòi mẹ.

Tiếng khóc xé lòng của 2 đứa trẻ mồ côi mẹ vì Covid-19, khát thèm hộp sữa - 1

Bàn thờ của chị Thắm những ngày mới đem hài cốt về (Ảnh: Biên Thùy).

Ngày 9/9 – cái ngày định mệnh ấy, người chồng không thể nào quên. Anh Ngon kể, trước đó một hôm vợ anh còn tỉnh táo, vẫn nấu cơm cho 3 cha con ăn. Nhưng đến sáng sớm cùng ngày, chị Lý Thị Thắm bất ngờ than nhức đầu, đau bụng.

“Cổ nói mệt lắm. Lỡ có gì anh ở lại ráng lo cho con ăn học. Tôi nghe vậy hoảng quá nói em phải bình tĩnh lại, rồi tìm số xe cấp cứu tư nhân kêu chạy vô chở vợ đi bệnh viện gấp. Lúc xe tới, vợ tôi bắt đầu mê man rồi” – người chồng kể.

Biết vợ có bệnh nền nặng, trên đường đi cấp cứu, anh Ngon cố gắng động viên chị Thắm cố cầm cự. Tiếng dằn xóc của bánh xe lúc ấy như hòa vào tiếng nhịp tim đang nhảy loạn xạ vì lo lắng của người chồng.

7h sáng, xe chạy đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhìn chiếc băng ca đưa vợ vào trong, lòng anh Ngon như lửa đốt.

10h, bác sĩ mời anh vào trong, thông báo một tin sét đánh: chị Thắm đã không qua khỏi, chị ra đi ở tuổi 28. Trước đó, chị được xác định đã ngưng tim ngoại viện, tái phát bệnh lupus ban đỏ, suy đa tạng.

Kết quả xét nghiệm của chị Thắm trước khi vào cấp cứu dương tính với SARS-CoV-2.

Bàng hoàng, rã rời là cảm giác của anh chồng lúc ấy. Từ giữa sân bệnh viện, không kịp suy nghĩ, anh chạy vào để nhìn mặt vợ lần cuối trước khi người ta chuyển chị vào khu vực chờ đưa đến nhà hỏa táng.

“3 ngày sau, người ta gọi cho tôi bảo nhắn địa chỉ để chuyển tro cốt vợ về. Họ nói tiền mai táng 18 triệu đồng được Nhà nước chi trả cho bệnh nhân Covid-19. Tiền viện phí phát sinh, tôi đi mượn khắp xóm đóng được 5 triệu đồng. Mà tiền bây giờ còn nghĩa lý gì nữa, vợ tôi đã mất rồi” – anh Ngon nói giọng buồn.

Mấy ngày đầu bên bàn thờ vợ lập vội, anh Ngon gần như rơi vào khủng hoảng. Lúc cho con ăn, khi tắm rửa cho các bé, đầu óc anh chỉ hiện lên tấm di ảnh của vợ.

Quá đau xót trước sự ra đi đột ngột của con gái, bà Lý Thị Sên (60 tuổi, mẹ ruột chị Thắm) ở phòng trọ bên cạnh cũng ngã quỵ.

Khi lực lượng y tế đến hỗ trợ và cho làm xét nghiệm, cả vợ chồng bà Sên và gia đình người anh vợ với 4 con nhỏ của anh Ngon đều là F0. Ngay sau đó, họ được đưa lên khu cách ly, điều trị Covid-19 tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh).

Tiếng khóc xé lòng của 2 đứa trẻ mồ côi mẹ vì Covid-19, khát thèm hộp sữa - 2

Dãy trọ nghèo trơ trọi, nơi ở của gia đình anh Ngon (Ảnh: Biên Thùy).

Không còn ai phụ lo hậu sự cho vợ, phụ chăm sóc con thơ, mỗi lần cúng cơm anh Ngon phải nhờ hàng xóm gần nhà sang giúp đỡ.

Thắp nén nhang lên bàn thờ trơ trọi đĩa rau muống xào, chén cơm đã nguội, người chồng nhìn con nhỏ mồ côi mẹ đang khát sữa ngây thơ ngồi bên cạnh, cổ họng nghẹn đắng không khóc được.

“Nhà ăn gì thì cúng cho vợ như ngày còn sống. Ráng kiếm một miếng thịt luộc nhỏ, cũng muốn cúng cho tươm tất, mà nhà hết tiền rồi. Mong vợ có linh thiêng đừng trách mấy cha con…”.

Những đứa trẻ đang cần sự giúp đỡ

Đúng 9 ngày sau khi đưa tro cốt vợ về, anh Ngon buộc phải dời bàn thờ vợ lên trang thờ (ban thờ trên cao-PV). Vì nhà có vỏn vẹn 16 m2, các con còn nhỏ hay chạy nhảy hiếu động, chẳng may làm vỡ lư hương thì không còn gì thắp cho chị Thắm.

Mà nhìn cảnh con ngồi trước bàn thờ đòi mẹ mỗi ngày, anh Ngon cũng không chịu nổi.

“Mấy bữa đầu 2 đứa khóc suốt. Tôi chỉ biết dỗ dành giờ mẹ đi xa rồi, mấy cha con phải sống cho thật khỏe, không được phụ lòng mẹ. Bé Diệu nó lớn rồi, hiểu lời tôi nên nhanh nín khóc. Còn bé Lành mới 2 tuổi, cứ khi nào đói và khát sữa lại đòi mẹ phải về…” – người cha sống cảnh “gà trống nuôi con” tâm sự.

Thất nghiệp suốt 3-4 tháng trời, tiền dành dụm chắt mót từ việc đi phụ hồ của anh Ngon đã cạn. Ở trọ tại khu heo hút lại không có đăng ký tạm trú, gia đình họ cũng khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của địa phương.

Mấy tháng nay, họ sống chủ yếu bằng tình thương của bà con chòm xóm và những phần quà từ thiện của các mạnh thường quân không quản đường sá xa xôi, nguy hiểm của dịch bệnh tìm đến.

Tiếng khóc xé lòng của 2 đứa trẻ mồ côi mẹ vì Covid-19, khát thèm hộp sữa - 3

Cha con anh Ngon nhận gạo của mạnh thường quân sống qua ngày (Ảnh: Biên Thùy).

“Tôi đã mấy lần mang gạo và sữa vào cho họ rồi. Gia đình anh Ngon rất khó khăn, vợ mất, nhiều người trong nhà cũng nhiễm Covid-19. Ngoài 2 đứa nhỏ con anh Ngon còn có 4 trẻ khác. Họ đang rất cần hỗ trợ” – anh Nguyễn Văn Quẩn, tình nguyện viên trực chốt kiểm soát dịch ở ấp 3, xã Tân Kiên kể.

Những ngày này, khi nghe tin TPHCM sắp “bình thường mới”, anh Ngon nửa mừng nửa lo. Mừng vì sắp được đi làm, có tiền trang trải nuôi các con thơ. Còn lo vì các con ở nhà không biết chăm sóc thế nào, khi ông bà ngoại cũng phải chạy theo cuộc sống mưu sinh. Anh sợ nhất không may mình mang mầm bệnh về lây cho mấy đứa trẻ.

Ông Huỳnh Văn Thị, Trưởng ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (TPHCM) cho biết, xóm trọ nơi gia đình anh Huỳnh Văn Ngon sinh sống có khoảng 30 trường hợp là F0. Nhiều người hiện đã về quê hoặc vẫn còn trong thời gian cách ly, điều trị.

Những ngày qua, nắm được hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Ngon khi vợ mất vì Covid-19 để lại 2 con nhỏ, lực lượng chức năng đã gửi các phần quà, tiếp tế lương thực, rau củ và hỗ trợ tiền cho người lao động thất nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh.

“Địa phương đang tìm phương án để hỗ trợ thêm cho gia đình này trong đợt hỗ trợ thứ 3” – Trưởng ấp 3, xã Tân Kiên nói.

7 tuổi rồi nhưng bé Diệu chưa được đến trường. Nỗi đau của người cha không lo được chuyện ăn học tử tế cho con như lời trăn trối của vợ trước khi chết, mấy người hiểu thấu.

Anh Ngon nói, hết dịch sẽ cho con gái lớn về quê ở với ông bà nội, ăn học ở quê dù sao cũng đỡ tốn kém hơn trên Sài Gòn. Còn anh sẽ tự tay chăm sóc con trai nhỏ, chờ đến ngày nó khôn lớn.

Nhưng đó là câu chuyện mịt mờ của tương lai. Giờ đây, cái ăn cái mặc của họ còn đang thiếu thốn.

“Tôi chỉ còn vài trăm ngàn, chưa đến một triệu đồng để dành mua đồ ăn cho các con. Ba tháng nay chủ trọ chỉ giảm được một nửa tiền thuê nhà của tháng 7.

Nếu không đi làm được sớm thì chắc không cầm cự nổi. Cũng may mấy đứa nhỏ dễ, người ta cho gì ăn đấy, sữa gì uống hết chứ không kén.

Những lúc khó khăn này, tôi chỉ biết thắp nhang cho vợ, cầu nguyện cô ấy phù hộ cho mấy cha con sớm vượt qua kiếp nạn…” – tiếng anh Ngon nhỏ dần, thay bằng tiếng dỗ các con thơ đến giờ say giấc.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về

1. Mã số 4240: Anh Huỳnh Văn Ngon

Địa chỉ: C6/19, Ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM

Điện thoại: 0329535062

Theo: https://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/tieng-khoc-xe-long-cua-2-dua-tre-mo-coi-me-vi-covid19-khat-them-hop-sua-20210927000503961.htm#dt_source=Cate_TamLongNhanAi&dt_campaign=Cover&dt_medium=1

BÀI LIÊN QUAN
X