Thẻ bảo hiểm y tế và 9 thông tin quan trọng cần biết khi sử dụng

1. Mỗi người được cấp mấy thẻ BHYT? Khoản 2 Điều 16 Luật BHYT năm 2008 nêu rõ, mỗi người tham gia chỉ được cấp 01 thẻ BHYT duy nhất. Trên thực tế, vẫn có trường hợp có 02 thẻ BHYT. Nguyên nhân là do người đó có thể thuộc nhiều đối tượng tham gia

1. Mỗi người được cấp mấy thẻ BHYT?

Khoản 2 Điều 16 Luật BHYT năm 2008 nêu rõ, mỗi người tham gia chỉ được cấp 01 thẻ BHYT duy nhất.

Trên thực tế, vẫn có trường hợp có 02 thẻ BHYT. Nguyên nhân là do người đó có thể thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nên dễ dẫn đến trường hợp đã tham gia theo đối tượng này lại đóng thêm theo nhóm đối tượng khác.

Ví dụ, người dân đã tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình hoặc thuộc các đối tượng chế độ khác nhưng sau đó đi làm và bắt buộc phải đóng BHYT tại doanh nghiệp nên sở hữu 02 thẻ BHYT cùng lúc.

the-bhyt-04

2. Thời hạn sử dụng của thẻ BHYT là bao lâu?

Thẻ BHYT được cấp cho người dân hiện không còn ghi thời hạn sử dụng mà chỉ thể hiện thời điểm bắt đầu có giá trị sử dụng của thẻ. Tuy nhiên, theo Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và khoản 73 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH, thời hạn của thẻ BHYT được xác định như sau:

– Đối tượng do người lao động và người sử dụng lao động đóng: Thẻ BHYT có giá trị kể từ ngày đóng BHYT đến hết tháng mà đơn vị sử dụng lao động báo giảm lao động.

– Người hưởng trợ cấp thất nghiệp: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ tháng đầu tiên hưởng trợ cấp thất nghiệp ghi trong quyết định của cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền đến khi không còn là đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

– Trẻ em dưới 06 tuổi:

+ Trường hợp sinh trước ngày 30/9: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi;

+ Trường hợp sinh sau ngày 30/9: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày cuối của tháng trẻ đủ 72 tháng tuổi.

– Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày được hưởng trợ cấp xã hội tại quyết định của UBND cấp huyện đến khi không còn thuộc diện nhận trợ cấp.

– Người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, người sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; người thuộc hộ gia đình cận nghèo mà được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày được xác định tại quyết định phê duyệt danh sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến ngày không còn thuộc nhóm đối tượng đó.

– Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày được xác định tại Quyết định phê duyệt danh sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến ngày không còn trong danh sách theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

– Người hiến bộ phận cơ thể: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.

– Học sinh, sinh viên:

Thẻ BHYT được cấp hằng năm với học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông:

+ Học sinh lớp 1: Giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 01/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học;

+ Học sinh lớp 12: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm đó.

Học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

+ Học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng;

+ Học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.

– Đối với các đối tượng khác:

+ Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày đóng tiền BHYT.

+ Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 03 tháng trở lên: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày nộp tiền đóng BHYT.

the-bhyt-05

3. Thẻ BHYT không có giá trị sử dụng trong trường hợp nào?

Theo Khoản 4 Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế, có 03 trường hợp thẻ BHYT không có giá trị sử dụng như sau:

a) Thẻ đã hết thời hạn sử dụng;

b) Thẻ bị sửa chữa, tẩy xoá;

c) Người có tên trong thẻ không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.

Khi đó, nếu đi khám chữa bệnh, người dân sẽ không được Quỹ BHYT thanh toán mà phải tự mình chi trả tất cả các chi phí.

4. Khi nào phải đổi, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế?

Điều 18 và Điều 19 Luật BHYT hiện hành đã quy định cụ thể các trường hợp phải đổi, cấp lại thẻ BHYT như sau:

Điều 18. Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế

1. Thẻ bảo hiểm y tế được cấp lại trong trường hợp bị mất.

Điều 19. Đổi thẻ bảo hiểm y tế

1. Thẻ bảo hiểm y tế được đổi trong trường hợp sau đây:

a) Rách, nát hoặc hỏng;

b) Thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu;

c) Thông tin ghi trong thẻ không đúng.

the-bhyt-06

5. Thủ tục cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế

Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, việc đổi thẻ BHYT được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:

– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);

– Người hiến bộ phận cơ thể: Có thêm Giấy ra viện;

– Trường hợp người tham gia được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: Bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có).

Bước 2: Nộp hồ sơ.

Tùy vào đối tượng mà mình tham gia, người dân nộp hồ sơ tại các địa điểm như UBND cấp xã, cơ quan BHXH tỉnh/huyện, đơn vị sử dụng lao động, nhà trường. Các đơn vị n ày sẽ tiếp nhận hồ sơ và gửi cho cơ quan BHXH.

Người dân không mất lệ phí cho quá trình này.

Bước 3: Nhận thẻ BHYT tại nơi mình đã nộp hồ sơ.

Thời hạn giải quyết khi cấp lại, đổi thẻ BHYT tính từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định:

+ Không thay đổi thông tin: Trong ngày khi nhận đủ hồ sơ.

+ Thay đổi thông tin: Không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

+ Người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh: Trong ngày khi nhận đủ hồ sơ.

6. Đi khám chữa bệnh có bắt buộc mang thẻ bảo hiểm y tế?

Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế hiện hành quy định về thủ tục khám chữa bệnh hưởng BHYT như sau:

1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế.

Hiện nay, vẫn có các trường hợp không cần đem theo thẻ BHYT cũng được thanh toán chi phí:

– Đối với trẻ em dưới 6 tuổi:

+ Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh;

+ Trường hợp trẻ phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì trưởng cơ sở khám chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán chi phí BHYT.

– Đối với người đang trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ: Xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.

– Trường hợp cấp cứu: Không cần thẻ BHYT tại thời điểm làm thủ tục khám chữa bệnh nhưng phải xuất trình thẻ BHYT trước khi ra viện.

Ngoài ra, do sự phát triển hệ thống BHXH điện tử, khi khám chữa bệnh người dân không cần mang theo thẻ BHYT giấy mà có thể sử dụng thẻ BHYT trong ứng dụng VssID để thay thế.

7. Sử dụng VssID thay cho thẻ BHYT giấy như thế nào?

Khi đi khám chữa bệnh, bạn thực hiện các thủ tục sau để thay cho việc xuất trình thẻ giấy:

Bước 1: Đăng nhập ứng dung VssID theo mã số BHXH và mật khẩu do cơ quan BHXH cung cấp.

Bước 2: Chọn thẻ BHYT.

Bước 3: Chọn Sử dụng thẻ hoặc Hình ảnh thẻ

– Chọn mục Sử dụng thẻ để cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code.

– Chọn Hình ảnh thẻ để cung cấp nhân viên của cơ sở khám, chữa bệnh để họ ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID (trường hợp cơ sở không có đầu đọc).

the-bhyt-07

8. Khám, chữa bệnh có thẻ BHYT được thanh toán thế nào?

Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014 quy định người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả như sau:

* Khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến:

Khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, người có thẻ BHYT sẽ được chi trả trong phạm vi được hưởng với mức hưởng:

– 100% chi phí khám chữa bệnh: Bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở…

– 95% chi phí khám chữa bệnh: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…

– 80% chi phí khám chữa bệnh: Đối tượng khác.

* Khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến:

Người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng khi đi khám đúng tuyến theo tỷ lệ sau:

+ Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú.

+ Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước.

+ Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám chữa bệnh.

9. Các tra cứu mức hưởng thẻ bảo hiểm y tế

Trên thẻ BHYT có ghi mức hưởng khi khám chữa bệnh nhưng không ghi cụ thể tỷ lệ % mà được ghi ký hiệu bằng các ký tự số 1, 2, 3, 4, 5. Tuy nhiên, với các ký hiệu này, người dân khó có thể nhớ chính xác mức hưởng BHYT của mình.

Để biết mức hưởng BHYT của bản thân, người dân có thể thực hiện theo 2 cách sau:

Cách 1. Tra cứu trực tuyến tại: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the-bhyt.aspx Thông tin bạn nhận được sẽ là như sau:

Điền đầy đủ thông tin vào các mục có dấu * màu đỏ. Nhấn vào ô Tôi không phải là người máy sau đó nhấn nút tra cứu.
Điền đầy đủ thông tin vào các mục có dấu * màu đỏ. Nhấn vào ô Tôi không phải là người máy sau đó nhấn nút tra cứu.
Điền đầy đủ thông tin vào các mục có dấu * màu đỏ. Nhấn vào ô Tôi không phải là người máy sau đó nhấn nút tra cứu.

Kết quả sẽ trả về thông tin về thời hạn sử dụng thẻ BHYT, mức hưởng BHYT.

Cách 2. Dùng ứng dụng VssID

the-bhyt-03

Theo giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X