Phụ huynh phản ánh sách Tiếng Việt lớp 1 dạy trẻ khôn lỏi, biếng nhác và chê bai người khác

Cải cách sách là gánh trên vai sứ mệnh thay đổi vận mệnh dân tộc vì trẻ em là rường cột của đất nước. Do vậy, chương trình Tiếng Việt lớp 1 không chỉ đơn thuần là dạy các bé biết đọc, biết viết rồi đưa vào các bài đọc trúc trắc, từ ngữ xa

Cải cách sách là gánh trên vai sứ mệnh thay đổi vận mệnh dân tộc vì trẻ em là rường cột của đất nước. Do vậy, chương trình Tiếng Việt lớp 1 không chỉ đơn thuần là dạy các bé biết đọc, biết viết rồi đưa vào các bài đọc trúc trắc, từ ngữ xa rời thực tế miễn sao minh họa đúng vần, âm tiết trẻ học là được.

Các con cần học các từ ngữ dễ hiểu, mang tính phổ thông để có vốn từ cơ bản. Những phương ngữ, từ mang âm hưởng vùng miền chắc chắn có trong Từ điển Tiếng Việt nhưng hiếm khi xuất hiện trong giao tiếp thì con có thể tìm hiểu về sau cũng chưa muộn. Cứ thử nghĩ xem, dạy con mà nhiều lần cha mẹ phải tra từ điển tiếng Việt thì có phải là chuyện kỳ lạ?

Lại nữa, trẻ 6, 7 tuổi trong sáng, ngây thơ. Ở tuổi này, các con giống như tờ giấy trắng, sẽ in tất cả những lời thầy cô, cha mẹ dạy dỗ. Đây là lứa tuổi cần được dạy các bài học về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Nhân là cách đối nhân xử thế, là tấm lòng giữa con người với con người, là tình yêu quê hương đất nước, là trách nhiệm của cá nhân với gia đình, xã hội. Lễ là các hành xử, ứng xử sao cho đúng với chuẩn mực, lễ nghi. Nghĩa là sống có trước có sau, biết tri ân người giúp mình, biêt cho khi đã nhận. Tín là luôn biết giữ lời hứa, thủy chung, không thay lòng đổi dạ…

Bốn phẩm chất này như bốn trụ tạo nền móng vững chắc cho nhân cách một đứa trẻ. Vậy nên, hãy dạy cho con những câu chuyện không chỉ đẹp về ngôn từ mà còn đẹp về nội dung. Hãy dạy con về sự tử tế, giáo dục con lối sống chân thành, biết quan tâm đến người khác.

Khi con chưa đủ nhận thức phân biệt mọi thứ đúng, sai đã vội dạy cho con những mánh khóe ở đời, liệu điều đó có giúp con nâng cao tinh thần cảnh giác hay con sẽ bắt chước rồi trở thành một kẻ khôn lỏi, lọc lừa?

Điểm qua sách Tiếng Việt lớp 1, cha mẹ cảm thấy hoang mang vì nhiều câu chuyện thiếu tính định hướng sống tốt, sống đẹp.

Chẳng hạn truyện “Hai con ngựa”, con ngựa tía chỉ con ngựa ô trốn việc. Con ngựa ô nghe xong lẩm bẩm: “Có lý lắm”. Hôm sau ngựa ô không chăm chỉ làm việc nữa, nó tỏ thái độ chống đối. Thế là con ngựa tía phải làm thay ngựa ô, chở tất cả hàng hóa dù ấm ức trong lòng.

Mặc dù GS. TS Nguyễn Minh Thuyết – chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 cho rằng: “Ý nghĩa của câu chuyện này là xui người khác làm bậy thì chính mình sẽ chịu hậu quả” nhưng đó chỉ mới là một chiều nghĩa. Vẫn còn một chiều nghĩa mang ý nghĩa tiêu cực (không khéo trẻ sẽ học) là trong công việc chỉ cần lươn lẹo thì chúng ta sẽ được an nhàn.

Được biết truyện “Hai con ngựa” phỏng theo truyện Lev Tolstoy. Chắc chắn “một nhà văn lớn như Lev Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục”. Nhưng thiết nghĩ, người viết sách phải hiểu rằng lứa tuổi nào phù hợp đọc những câu chuyện như thế này để không bị ảnh hưởng bởi tính cách của nhân vật, để biết cái gì nên học và cái gì nên tránh.

Hay truyện: “Cua, cò và đàn cá” đề cập đến thủ đoạn của con cò nhằm ăn thịt đàn cá. Sau đó, nó bị con cua trừng trị.

Theo chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1: “Trong xã hội hiện nay, dạy trẻ con cảnh giác không phải là thừa”. Vâng, nhưng trước khi dạy trẻ tinh thần cảnh giác, hãy giúp các con hiểu thế nào là sống tốt, sống đẹp. Không biết cái nào tốt, cái nào xấu thì làm sao con hiểu mình nên cảnh giác điều gì. Thay vào đó, con lại bắt chước tính khôn lỏi để đạt được mong muốn của bản thân thì còn tệ hại hơn.

Rồi có cả bài học có nội dung hời hợt như truyện: “Con công lẩn thẩn”. Con công lúc nào cũng tự cho rằng mình đẹp. Một hôm nó cứ nghĩ bóng mình trong nước là một con công khác nên nó lặn xuống nước để so sắc đẹp. Kết quả là nó ướt nhẹp, run cầm cập. Con chim cuốc thấy vậy liền gật gù: “Đẹp mà chẳng khôn”.

Nếu con cuốc gật gù: “Tự phụ chỉ hại bản thân mà thôi” thì câu chuyện lại mang ý nghĩa giáo dục. Đằng này tác giả lại cho nó nói một câu mang tính chê bai, xem thường con công thì có phải “cổ xúy” cho thói dèm pha, nói xấu người khác hay không.

Sách là một loại “sản phẩm tinh thần” kỳ diệu của trí tuệ con người nên không phải cứ sai là sửa. Ví như sách giáo khoa, trước khi kịp chỉnh sửa thì nó đã đem vào giảng dạy và “in” vào đầu con trẻ.

Vậy nên hãy thận trọng, chỉn chu với tinh thần trách nhiệm cao nhất ở tất cả các khâu trước khi cho ra đời sách, đặc biệt là sách giáo khoa được dùng trong chương trình học chính thức của các trường.

Theo giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X