Ổ bánh mì 0 đồng, trao tận tay người nghèo trong đêm ở TP.HCM

“Bánh mì Sài Gòn, 0 đồng một ổ – Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau”. Vừa thấy những chiếc xe máy chở theo sọt bánh mì và tiếng rao thân thương, những cụ già bán vé số, những bác xe ôm, cô nhặt ve chai hay đứa bé theo mẹ đi bán hàng

“Bánh mì Sài Gòn, 0 đồng một ổ – Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau”.

Vừa thấy những chiếc xe máy chở theo sọt bánh mì và tiếng rao thân thương, những cụ già bán vé số, những bác xe ôm, cô nhặt ve chai hay đứa bé theo mẹ đi bán hàng trên khắp con phố ở TP.HCM nhanh chóng chạy tới, nụ cười ánh lên sau lớp khẩu trang.

“Cho con một ổ với chú ơi, cho cả em con nữa nha chú”.

“Cho chú một ổ đi, đói quá, mấy ngày nay không chạy được cuốc xe nào”.

“Cho bà một ổ nha con, bà cảm ơn lắm lắm”.

Mấy ngày qua, hình ảnh những người “bán hàng rong” của nhóm “Bánh mì 0 đồng” dần trở nên quen thuộc trên nhiều con phố tại TP.HCM. Không ồn ào, khoa trương, người “bán” cố gắng phát thật nhanh các suất ăn nóng hổi cho những cánh tay đang chìa ra trước mặt.

Chỉ sau ít ngày hoạt động, “doanh thu” công khai của những sọt bánh mì khiến nhiều người ấn tượng: hàng nghìn nụ cười, hàng nghìn cái gật đầu hay câu nói cảm ơn đến từ khách hàng.

Nhóm thiện nguyện của Đức Huy tiến hành phát tặng bánh mì, xôi cho người khó khăn tại TP.HCM.

Bánh mì 0 đồng

Là ổ dịch lớn nhất cả nước, TP.HCM đang đối diện làn sóng dịch với diễn biến phức tạp, khó lường. Chứng kiến hoàn cảnh của những người khó khăn, thuộc nhóm dễ bị tổn thương như lao động tự do, mất việc do dịch bệnh hay người già neo đơn, Hoàng Đức Huy (sinh năm 1988) bứt rứt không yên.

Ngày 2/7, anh bắt đầu kêu gọi quyên góp, thành lập nhóm “Bánh mì 0 đồng”, tiến hành hoạt động phát miễn phí các suất bánh mì kẹp, xôi và khẩu trang, nước uống.

“Có nhiều người cao tuổi, người tàn tật gặp khó khăn trong việc di chuyển đến địa điểm từ thiện cố định phát cơm, rau hay gạo. Vì vậy, chúng tôi chọn cách chủ động tìm đến họ, đưa họ cái gì đó ăn liền tại chỗ được. Bánh mì cũng là món ăn giản dị, dễ ăn, gắn liền với cuộc sống của người dân lao động ở TP.HCM”, Đức Huy chia sẻ về ý tưởng thiện nguyện.

Mỗi người sẽ được tặng một phần bánh mì hoặc xôi và khẩu trang, nước lọc.

Vào các tối thứ 2, 4, 6, nhóm “Bánh mì 0 đồng” lại tập hợp, khoảng 20 người chia thành đội hậu cần (lo nấu xôi, làm bánh mì) và đội “bán hàng” (di chuyển phân phát bánh theo các cung đường bàn sẵn). Các tình nguyện viên chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp quen biết nhau và có chung “máu” thiện nguyện.

Khoảng 18h, mọi người tập trung chia đồ, cho xúc xích, bánh mì, sữa hay xôi thành từng phần. Sau đó, nhóm phân chia tuyến đường sẽ đi, phát đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, khẩu trang, găng tay cho thành viên.

Khoảng 20h, các chuyến xe lần lượt xuất phát và đến khi nào “bán” hết đồ mới về. Có ngày, khi những chiếc sọt bánh rỗng không cũng là lúc đồng hồ chỉ 0h.

“Có nhiều cô chú, em nhỏ ở gần khu vực nấu đồ ăn cũng nhiệt tình giúp. Mỗi người chia nhỏ công việc, đem về nhà làm để tránh tập trung đông người. Ai cũng hy vọng có thể giúp những mảnh đời kém may mắn hơn mình có được suất ăn đầy đặn”.

Cứ như vậy, mỗi buổi tối, nhóm “Bánh mì 0 đồng” phát được khoảng 1.500 phần. Ngoài tặng đồ ăn, nhóm “Bánh mì 0 đồng” còn giúp đỡ các xóm lao động bị phong tỏa do dịch, tiếp tế nhu yếu phẩm.

“Ráng lên nha, rồi dịch sẽ sớm qua thôi”

Rong ruổi khắp thành phố phát bánh, xôi, Đức Huy và nhóm thiện nguyện nhiều lần không kìm nổi nước mắt khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của những người nghèo, ngày ngày dựa vào đường phố mưu sinh.

Đó là cô bé chừng 6, 7 tuổi theo mẹ đi bán vé số. Em hớn hở khi nhận được phần bánh mì có sữa và xúc xích, ngồi ngay trên nắp cống vệ đường ăn ngon lành. Không bán được nhiều vé số, 3 mẹ con em không còn đủ tiền thuê nhà trọ, phải lang thang nay chỗ nọ, mai chỗ kia. Hôm ấy, ánh mắt ngây thơ, nụ cười vô tư của em ám ảnh, theo Huy cả vào giấc ngủ.

Đó là người mẹ tai biến, không nói được, khập khiễng, lê từng bước chân khó nhọc trên phố. Trên tay chị là sợi dây buộc vào tay đứa con gái chừng 3, 4 tuổi. Cô bé vừa kéo mẹ, vừa ngẩng cổ uống những giọt sữa cuối cùng trong bình khi bắt gặp đoàn “Bánh mì 0 đồng”.

Nhóm của Đức Huy hy vọng những phần ăn nhỏ có thể giúp người khó khăn trong lúc cần kíp.

“Mỗi lần tặng bánh cho mọi người, tôi chẳng biết nói gì nhiều ngoài câu: ‘Cô chú anh chị cầm ổ bánh mì ăn chơi! Ráng lên nha, rồi dịch sẽ sớm qua thôi!’. Bọn tôi chỉ là một nhóm rất nhỏ, nhưng làm được gì thì sẽ cố gắng hết sức”.

Vì tình hình dịch diễn biến phức tạp, các thành viên nhóm thiện nguyện luôn ưu tiên việc đảm bảo an toàn trong quá trình đi phân phát. Ngoài trang bị các vật dụng bảo vệ bản thân, mọi người cố gắng giữ khoảng cách với người dân, không tập trung đông người và luôn tuân thủ luật giao thông.

Chỉ kêu gọi thông qua mạng xã hội, hiện nhóm đã nhận được khoảng 500 triệu đồng tiền ủng hộ và nhiều hiện vật như khẩu trang, thực phẩm. Từ anh em, bạn bè thân thiết đến người lạ vô tình thấy bài đăng, mỗi người đều muốn đóng góp một chút với hy vọng đưa được thêm nhiều ổ bánh mì đến tay người khó khăn.

“Khi nhận phần ăn, mọi người có thể cười, cảm ơn hoặc không, với chúng tôi, quan trọng là họ, những người Sài Gòn dễ tổn thương nhất vì dịch, được một bữa no, vậy là đủ rồi”.

Theo Zingnews.vn

BÀI LIÊN QUAN
X