Nữ sinh lớp 10 và những nỗi đau tận cùng, không còn nước mắt để khóc!

Trên đường đi, thầy Cao Văn Dũng, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A7, Trường THPT Ngọc Lặc chia sẻ: “Bố mẹ và em trai Hạnh đều đã mất. Hiện em đang sống với bà nội già yếu và bác gái thì bị tàn tật. Hạnh vừa học vừa phải chăm sóc bà và bác gái

Trên đường đi, thầy Cao Văn Dũng, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A7, Trường THPT Ngọc Lặc chia sẻ: “Bố mẹ và em trai Hạnh đều đã mất. Hiện em đang sống với bà nội già yếu và bác gái thì bị tàn tật. Hạnh vừa học vừa phải chăm sóc bà và bác gái tật nguyền. Ngoài giờ học, em phải đi bán rau ở chợ để kiếm sống”.

Nữ sinh lớp 10 và những nỗi đau tận cùng, không còn nước mắt để khóc! - 3

Nữ sinh lớp 10 và những nỗi đau tận cùng.

Đó là hoàn cảnh của nữ sinh, Phạm Thị Hạnh, học sinh lớp 10A7, Trường THPT Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Căn nhà của gia đình Hạnh nằm gần như lọt thỏm so với mặt đường Hồ Chí Minh, ở khu phố Hưng Sơn, thị trấn Ngọc Lặc. Giữa căn nhà thiếu ánh sáng, không khí lạnh lẽo, trống vắng.

Bà nội Hạnh mái tóc bạc phơ, đôi chân run rẩy bước ra theo tay vịn của cháu gái, giọng thều thào đón khách vào nhà. Bà Phạm Thị Cầu (81 tuổi), như chắt từng giọt nước mắt của tuổi già, bà kể mẹ của Hạnh qua đời sau khi sinh cậu con trai thứ 2 là Phạm Văn Hiếu vào năm 2007.

“Thằng Hiếu vừa chào đời thì đã sớm chịu cảnh mồ côi mẹ, nó lớn lên bằng tình cảm của người cha còn lại và những tiếng ru của chị gái thay mẹ. Người bố nén nỗi đau, một mình gồng gánh nuôi 2 đứa con thơ dại”, bà Cầu vừa kể giọng bà đứt quãng từng đoạn vì đau đớn.

Nữ sinh lớp 10 và những nỗi đau tận cùng, không còn nước mắt để khóc! - 2

Bà Phạm Thị Cầu, bà nội Hạnh năm nay đã 81 tuổi, không thể làm được gì để giúp cô con gái tật nguyền và đứa cháu tội nghiệp của mình.

Biết hoàn cảnh nhà mình nghèo khó, hai chị em Hạnh rất ngoan ngoãn, nghe lời bố chăm học, đỡ đần việc nhà. Đau xót thay, tai họa lại một lần nữa ập đến với gia đình vốn đã chẳng trọn vẹn. Năm 2010, lúc Hạnh lên 5 tuổi, bố bất ngờ gặp tai nạn rồi cũng bỏ lại mấy bà cháu. Vậy là chưa đầy 6 tuổi, hai chị em Hạnh đã chịu cảnh mồ côi.

Số phận quá đỗi nghiệt ngã, chị em Hạnh lớn lên bằng tình thương của bà nội. Hàng ngày, cuộc sống dù có thiếu thốn trăm bề, nhưng chị em Hạnh cố gắng quên đi nỗi đau, quất quýt bên bà. Nào ngờ đâu… trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cậu em trai Phạm Văn Hiếu đang là học sinh lớp 7 không may bị tai nạn giao thông rồi cũng bỏ lại người chị để về với bố mẹ bên kia thế giới.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, 16 tuổi cô gái mất đi 3 người thân, lòng cô gái đau như chai lại, không còn nước mắt để khóc. Có lẽ, không có cụm từ nào diễn tả hết nỗi đau của Hạnh.

Nghe nhắc đến cháu trai, bà Cầu giọng thảm thiết: “Hiếu ơi! Sao cháu bỏ bà và chị mà ra đi? Ông trời ơi! Sao ông nỡ bắt tội cái gia đình này”.

Sau khi bố mẹ rồi đến em trai qua đời, Hạnh ở với bà nội và bác gái. Hiện bà nội đã 81 tuổi, còn người bác gái Phạm Thị Huệ đã hơn 50 tuổi bị tật 2 chân, không đi được, mỗi lần muốn di chuyển chỉ có thể dùng đôi tay để chống xuống đất và lê từng bước.

“Em vẫn không tin vào sự thật, mẹ rồi bố và em trai cứ lần lượt bỏ em mà đi. Ông trời quá bất công với em đúng không anh? Mỗi lần nhìn thấy các bạn có bố, có mẹ còn mình thì không, em thấy tủi thân lắm, em không biết phải sống như thế nào nữa…”, giọng cô gái như nghẹn lại nơi cổ họng:

Nữ sinh lớp 10 và những nỗi đau tận cùng, không còn nước mắt để khóc! - 4

Bà Phạm Thị Huệ, bác gái của Hạnh năm nay cũng hơn 50 tuổi, bị tật 2 chân, mỗi lần di chuyển phải dùng 2 tay.

Gia đình gặp nhiều khó khăn, biến cố, để có tiền đi học, những ngày nghỉ, Hạnh thường hái rau trong vườn đi ra chợ bán được đồng nào hay đồng đó; ngày trước khi em trai còn, hai chị em vẫn thường đi mò cua, bắt ốc để kiếm thêm đồng ra, đồng vào.

“Gia đình không còn người để mà nương tựa nữa, 3 lần “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Hết khóc con dâu, lại khóc con trai rồi đến đứa cháu nội. Hoàn cảnh gia đình chắc cả cái làng này không ai khổ và neo đơn như gia đình tôi. Các con không còn, tôi thì già rồi, còn bác gái cháu thì tật nguyền. Giờ cháu Hạnh đang học lớp 10, tôi mà chết đi thì không biết cháu sẽ thế nào nữa”, bà Cầu nghẹn ngào nói trong vô vọng.

Do không còn làm được gì nên cả nhà có hơn 1 sào ruộng cũng phải cho người khác thuê, mỗi vụ kiếm ít cân lúa bà cháu ăn. Còn lại, cuộc sống của mẹ con, bà cháu dựa vào tiền chính sách của Nhà nước dành cho người già và người tàn tật.

Nữ sinh lớp 10 và những nỗi đau tận cùng, không còn nước mắt để khóc! - 5

Bà Cầu lo lắng, rồi đây khi bà mất đi không biết cháu gái của mình sẽ sống như thế nào.

Nữ sinh lớp 10 và những nỗi đau tận cùng, không còn nước mắt để khóc! - 6

Hạnh phụ giúp bà và bác gái lo việc gia đình. Ngoài giờ học, Hạnh còn tranh thủ hái rau mang ra chợ bán để kiếm thêm đồng ra, đồng vào.

“Cháu mong ước bớt đi khó khăn, có điều kiện để lo cho bà và bác, cháu cũng mong được như các bạn, có bố có mẹ, nhưng giờ thì không được nữa rồi, biết làm sao được. Nhiều khi trong nhà hết gạo, có gì ăn nấy, rồi ai thương cho cái gì thì cho”, Hạnh chia sẻ.

Thầy Cao Văn Dũng, giáo viên chủ nhiệm chia sẻ: “Dù khó khăn nhưng Hạnh luôn thể hiện tinh thần chịu khó vươn lên trong học tập. Ở trường, Hạnh là học sinh chăm ngoan, chỉ những khi có công việc bất khả kháng, Hạnh mới nghỉ học. Nhà trường tạo điều kiện hết sức cho em trong quá trình học tập, nhiều khoản đóng góp em được miễn. Không chỉ thầy cô mà các bạn cũng rất đồng cảm với hoàn cảnh đáng thương của Hạnh”.

Nữ sinh lớp 10 và những nỗi đau tận cùng, không còn nước mắt để khóc! - 7

Cuộc sống của mấy mẹ con, bà cháu chủ yếu dựa vào tiền chính sách của Nhà nước giành cho người già và người tàn tật.

Nhìn đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn của Hạnh, tôi không dám nghĩ đến chuyện nữ sinh 16 tuổi đã phải chịu cảnh mất mẹ, mất bố rồi em trai. Những ngày tháng ấy Hạnh đã sống trong nỗi đau tột cùng, cả một hành trình dài phía trước đang đón đợi, rồi em sẽ đi về đâu?.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 4053: Phạm Thị Hạnh

Địa chỉ: Khu phố Hưng Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Điện thoại: 0342304697

Theo: Giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X