Lời khẩn cầu của thầy cô giáo dành cho những học sinh mồ côi sau vụ sạt lở: ‘Xin đừng để tương lai các em rơi vào ngõ cụt’

Bỗng chốc mất nhà, thành trẻ mồ côi Sau một buổi chiều định mệnh, trận sạt lở kinh hoàng từ trên đỉnh núi Pa Ranh đã đổ ập xuống vùi lấp cả ngôi làng nhỏ ở thôn 1, xã Trà Leng, khiến 11 căn nhà bị chôn vùi trong lớp đất đá, bùn lầy, 22

Bỗng chốc mất nhà, thành trẻ mồ côi

Sau một buổi chiều định mệnh, trận sạt lở kinh hoàng từ trên đỉnh núi Pa Ranh đã đổ ập xuống vùi lấp cả ngôi làng nhỏ ở thôn 1, xã Trà Leng, khiến 11 căn nhà bị chôn vùi trong lớp đất đá, bùn lầy, 22 người mất tích và tử vong. Đau lòng hơn, thảm họa lũ quét này đã khiến nhiều cô, cậu học trò M’Nông trên dãy núi cao của đại ngàn Trường Sơn bỗng chốc lâm vào tình cảnh mồ côi.

Đã vài ngày trôi qua, bầu không khí đau thương, tang tóc còn bao trùm nóc Ông Đề. Trời vẫn cứ mưa nặng hạt như sát thêm muối vào những vết thương lòng của người dân trên rẻo cao Ngọc Linh. Trong túp lều tạm bợ được dựng cạnh hiện trường sạt lở, suốt mấy hôm nay, em Lê Thanh Tú (lớp 11, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My) vẫn co mình ngồi chờ được nhận thi thể người thân.

 

Clip: Lời khẩn cầu của thầy cô các học sinh mồ côi sau trận lở núi ở Trà Leng

Những học sinh mồ côi sau vụ sạt lở và lời khẩn cầu của thầy cô giáo: Xin đừng để tương lai các em rơi vào ngõ cụt - Ảnh 2.

Thảm họa lở núi khiến 11 ngôi nhà ở Trà Leng bị vùi lấp, 22 người chết và mất tích

Những học sinh mồ côi sau vụ sạt lở và lời khẩn cầu của thầy cô giáo: Xin đừng để tương lai các em rơi vào ngõ cụt - Ảnh 3.

Đau đớn nhất, nhiều đứa trẻ trở thành trẻ mồ côi, bơ vơ giữa dòng đời sau vụ sạt lở

Em Tú là con ông Lê Quang Việt, Bí thư xã Trà Leng, bị vùi lấp trong lúc chụp ảnh báo cáo lại tình hình mưa lũ tại địa phương. Hiện thi thể của người cán bộ gần dân này vẫn đang mất tích. Ngoài ra, nhiều người thân khác trong gia đình của Tú cũng tử nạn. Rất may, bà Hồ Thị Bông (mẹ Tú) chạy thoát trong vụ sạt lở, còn Tú và anh trai Lê Thanh Nhã đi học xa đến nay mới trở về.

Đưa tay lau dòng nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt non nớt còn lộ vẻ hoảng sợ, Tú sụt sùi chia sẻ, ngày 28/10, vài giờ trước khi bão Molave đổ bộ đất liền, em còn nhận được điện thoại của ba. Thế nhưng, chỉ vài tiếng sau, trận lở núi đã “xóa sổ” cả ngôi làng có 11 nóc nhà người M’Nông quần tụ, được gọi là nóc Ông Đề, tên người già làng uy tín nhất, cũng là ông ngoại của Tú.

“4 tuần rồi em chưa về nhà. Em học bán trú tại trường. Trước hôm có bão, ba điện thoại dặn em ở yên trong trường, đừng ra ngoài khi có bão. Ba bảo ở nhà vẫn an toàn, nhưng ngờ đâu đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của ba con em…”, nói đến đây, Tú vùi mặt vào vai thầy giáo đứng bên, rồi bật khóc nức nở.

Những học sinh mồ côi sau vụ sạt lở và lời khẩn cầu của thầy cô giáo: Xin đừng để tương lai các em rơi vào ngõ cụt - Ảnh 4.

Đôi bạn thân Hải và Tú thất thần khi nghe tin cả gia đình gặp nạn trong vụ sạt lở

Ôm cậu học trò vào lòng thủ thỉ, thầy Hồ Văn Việt (Bí thư Đoàn Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My) cố gắng trấn an: “Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi, thầy đã dạy các em học cách kiên cường trước bão giông mà, phải không?”.

Đôi mắt đỏ hoe, thầy Việt chia sẻ, những học sinh này được nhà trường giữ lại trong cơn bão số 9 vừa qua nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Khi nhận tin vụ sạt lở kinh hoàng đã san bằng tất cả 11 hộ gia đình tại xã Trà Leng, các em cứ nằng nặc đòi về nhà. Tuy nhiên sau bão, thời tiết, địa hình đồi núi nguy hiểm nên thầy cô đã giữ các em lại và an ủi, động viên các em bình tâm.

“Đợi đến khi các điểm sạt lở được thông, tôi cùng 7 giáo viên khác dẫn 6 học trò về lại làng để nhận diện thi thể cha mẹ, người thân của mình, cũng như lo ma chay những người đã mất…”, thầy Việt xót xa nói.

Những học sinh mồ côi sau vụ sạt lở và lời khẩn cầu của thầy cô giáo: Xin đừng để tương lai các em rơi vào ngõ cụt - Ảnh 5.

Em Lê Thanh Tú ôm chặt, cúi đầu vào thầy Hồ Văn Việt, khi thấy ngôi nhà của mình giờ chỉ còn là đống đổ nát

Cũng như 5 học sinh khác của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My có người thân bị vùi lấp ở nóc Ông Đề, em Hồ Thị Điệp (lớp 11) được thầy cô giáo dành thời gian để trấn an tinh thần, trước khi đưa về nhà.

Sau 5 tiếng đồng hồ băng qua các điểm sạt lở, Điệp mới về đến xã Trà Leng. Khi đặt chân tới nóc làng Ông Đề, thấy cảnh tượng ngổn ngang, cây cối nằm ngã, cô học trò 17 tuổi đã khuỵu gối khóc nức nở trong sự tuyệt vọng.

Lúc này, người dân địa phương đã dẫn em ra tới hai ngôi mộ được che bạt trên đồi Quế. Rồi họ nói đây là 2 ngôi mộ vừa chôn cất ba mẹ Điệp. Điệp khóc: “Các anh ơi, ba mẹ chết rồi, 4 anh em mình sống sao đây”.

Những học sinh mồ côi sau vụ sạt lở và lời khẩn cầu của thầy cô giáo: Xin đừng để tương lai các em rơi vào ngõ cụt - Ảnh 6.

Hình ảnh cô học trò Hồ Thị Điệp quỳ khóc bên mộ ba mẹ khiến nhiều người quặn lòng

Những học sinh mồ côi sau vụ sạt lở và lời khẩn cầu của thầy cô giáo: Xin đừng để tương lai các em rơi vào ngõ cụt - Ảnh 7.

Ba mẹ qua đời, 4 anh em của Điệp phải mang phận mồ côi

Được biết, 2 anh trai và cậu em út của Điệp đều đang trong độ tuổi đến trường, trong đó Hồ Văn Trí đang học năm cuối đại học, Hồ Văn Trung đang học cao đẳng nghề, còn cậu em út Hồ Văn Đệ vừa lên lớp 5. Chỉ sau một trận lũ quét, cả 4 anh em bỗng chốc trở thành những đứa trẻ mồ côi cả cha, lẫn mẹ. Thời điểm này, Điệp, Trí, Trung đều đang ở trường, còn cậu em trai út nhanh chân tháo chạy lên đồi cao nên thoát chết, nhưng bị thương nặng ở chân.

“Xin đừng để tương lai các em bị vùi dập theo trận sạt lở”

Đôi chân bết đất bùn, đôi tay run run, em Hồ Văn Hải (học sinh lớp 10) nghẹn ngào cầm nén hương trong tay đến cắm vào mõm đất nơi chôn cất ba mình. Hải đã mất 8 người thân trong nhà, gồm ba mẹ, 2 em trai ruột, anh rể và các chú bác.

Sau thời gian nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của ông Hồ Văn Ton (ba Hải) và chôn cất tại đồi Quế, cạnh hiện trường chỉ vài chục mét. Nấm mồ đất được lấp vội, chỉ cao hơn mặt đất vài chục cm và xung quanh bọc 4 miếng gỗ nhỏ để mọi người nhận biết khỏi giẫm lên.

Những học sinh mồ côi sau vụ sạt lở và lời khẩn cầu của thầy cô giáo: Xin đừng để tương lai các em rơi vào ngõ cụt - Ảnh 8.

Hiện, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 14 nạn nhân còn đang mất tích

Hải học nội trú tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My, cách vài tháng mới về nhà. Chủ nhật tuần trước, em về thăm nhà, bà Hồ Thị Thắm gói cho con 2 cái áo ấm và nhét thêm đôi dép mới mua, với nắm xôi cho con ăn tối. Nhưng không ngờ đó lại là lần cuối cùng Hải được về nhà.

“Lúc em lên xe máy của bạn để về trường nội trú, ba còn chạy ra cửa gọi dặn dò em ‘đi học cho đàng hoàng, đừng có ham chơi’, nhưng giờ ba mẹ và mọi người đã bỏ em lại mà đi hết rồi, giờ em biết sống sao đây”, Hải nói trong nước mắt.

Đứng bần thần tại hiện trường để theo dõi việc tìm kiếm thi thể các nạn nhân còn mất tích, không thể kìm được nước mắt trước nỗi đau quá lớn mà các học sinh của mình đang phải chịu đựng, cô giáo Lê Thị Hạnh – giáo viên Trường Phổ thông Trung học dân tộc nội trú huyện Nam Trà My nghẹn ngào cho biết, hiện 6 học sinh của trường có người thân, ba mẹ chết và mất tích trong vụ sạt lở Trà Leng. Trong thời gian tới, thầy cô sẽ cố gắng hết sức để lo cho các em tiếp tục ăn học và nuôi dạy các em như con cái của mình.

Những học sinh mồ côi sau vụ sạt lở và lời khẩn cầu của thầy cô giáo: Xin đừng để tương lai các em rơi vào ngõ cụt - Ảnh 9.

Em Hồ Văn Hải (áo đen) và cô Lê Thị Hạnh thất thần khi thấy cả khu làng giờ chỉ còn là một vũng lầy đầy bùn đất

“Tuy nhiên, hiện mong ước của các em là sớm tìm được thi thể của người thân để chôn cất và có lại được một ngôi nhà nhỏ để có nơi lập bàn thờ, cuối tuần về thắp nén nhang cho người thân của mình. Xin đừng để các em rơi vào ngõ cụt. Chúng tôi hi vọng các nhà hảo tâm sẽ chung tay giúp đỡ các học sinh mồ côi này để tương lai của các em không bị vùi dập theo trận sạt lở”, cô Hạnh trải lòng.

Liên quan đến vụ việc này, ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cũng cho biết, với các học sinh đã mất người thân ở Trà Leng, giải pháp trước mắt không chỉ là hỗ trợ, phải tính toán lâu dài khi các em không còn cha mẹ, nhà cửa.

“Ngoài tạo điều kiện cho các em học hết phổ thông, còn phải hướng nghiệp cho các em sau này, đó mới là căn cơ lâu dài”, ông Quốc chia sẻ.

Các nhà hảo tâm có lòng giúp đỡ các học sinh mồ côi này có thể đến trực tiếp Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Hoặc liên hệ SĐT: 0979017493 (thầy Hồ Văn Việt, Bí thư Đoàn Trường) và 0327881203 (cô giáo Lê Thị Hạnh).

Theo Giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X