Khát khao được đi học, bé trai cố lăn xả trong từng bãi rác: Bữa cơm chỉ có quả trứng là no

Dưới cái nắng oi ả, hai cha con lang thang hết ngả đường này đến góc phố khác. Ngày mưa cũng như ngày nắng, các con đường ở P. Phú Mỹ (Q.7, TP.HCM) chưa một ngày vắng bóng họ. Thân hình nhỏ bé, lọt thỏm sau chiếc xe đẩy, Hùng tỏ ra rất nhanh nhẹn

Dưới cái nắng oi ả, hai cha con lang thang hết ngả đường này đến góc phố khác. Ngày mưa cũng như ngày nắng, các con đường ở P. Phú Mỹ (Q.7, TP.HCM) chưa một ngày vắng bóng họ.

Thân hình nhỏ bé, lọt thỏm sau chiếc xe đẩy, Hùng tỏ ra rất nhanh nhẹn và luôn muốn dành hết phần việc của người cha bệnh tật. Có những thùng rác mở ra mùi xộc thẳng vào mũi rất hãi hùng, thế nhưng hai cha con không một giây ngại ngần, vì ở đó là nguồn sống của cả gia đình.

Luồn tay vào sâu trong bao rác chỉ lấy ra được vỏ một chai nước lọc loại 350 ml nhưng cậu bé rất hí hửng. Hùng không ngại trong bao rác có gì bẩn, chỉ buồn nếu lục tìm mà không có gì để nhặt. “Con làm mệt nhưng mà vui, nên ngày nào cũng chỉ muốn được đi làm, vì đi làm thì mới có tiền”.

Cậu bé cùng cha nhặt rác mỗi ngày (Ảnh: Thanh Niên)

Hùng ngây ngô nói và cho biết thêm: “Con đi nhặt thế này có rất nhiều người thương con. Có người tốt bụng gọi hai cha con vào ăn cơm, có người cho con áo quần cũ về mặc”.

Ngày nào cũng đi hai lần sáng và tối, sau khoảng 1 tháng rưỡi mới dồn lại đủ ve chai để bán, mỗi đợt bán được khoảng 900.000 đồng. Đó cũng là số tiền cho những đợt nhiều ve chai nhất mà hai cha con nhặt được.

Ghé về nhà Hùng sau hơn 2 giờ cùng cha con họ đi nhặt ve chai, trên cái bếp dựng lên bằng mấy viên gạch được đặt ngay trước hiên nhà là nồi cơm đã nấu chín với 2 quả trứng vịt luộc.

Bà nội của Hùng nói: “Như thế này là ăn được cả ngày rồi, chứ tiền đâu mua đồ ăn. Có lúc không có gì để ăn, Hùng nó thèm quá mới trốn tôi với ba nó để đi bắt ốc về ăn. Nhưng đi bắt ốc sông nước nguy hiểm nên đâu có dám cho nó đi, mà cứ thèm là nó trốn đi”.

Có lúc ngoài việc nhặt ve chai, bố Hùng đi phụ hồ kiếm thêm thu nhập, nhưng làm được vài ngày thì bệnh tình tái phát, đành phải nghỉ. “Tôi bị bệnh trĩ nhưng không có tiền chữa trị, cứ làm nặng là máu ra như xối, chịu không thấu. Nên chỉ có thể bám cái nghề nhặt ve chai này kiếm sống”, bố Hùng nói.

Vì khổ quá nên Hùng không được đi học, đến năm 9 tuổi, có lớp học tình thương mở gần nhà, lúc đó cậu mới có cơ hội biết con chữ. Thế là từ 2 năm nay, cứ 9 giờ sáng Hùng cùng cha đi nhặt ve chai đến trưa về để chiều đến lớp học tình thương, rồi tối lại tiếp tục hành trình nhặt rác tìm nguồn sống.

Càng vất vả Hùng càng ham học (Ảnh: Thanh Niên)

“Con thích đi làm nhưng cũng rất thích đi học. Đi làm để kiếm tiền, còn đi học để biết chữ”, Hùng hồn nhiên chia sẻ. Khi được hỏi về ước mơ, cậu bé ấp úng. Phải chăng, vất vả mưu sinh từ nhỏ nên Hùng chỉ biết ngày hôm nay mình phải cố học để biết chữ trước đã…

Nghĩ mà thương cậu bé Hùng, tuổi đang còn rất nhỏ phải học cách mưu sinh, trong khi nhiều đứa trẻ đã bước vào năm học mới, áo quần tươm tất, sách vở gọn gàng, nhưng vẫn khóc lên khóc xuống vì muốn ở nhà vui đùa cùng đồ chơi đẹp, thậm chí vòi vĩnh gào thét nếu không được đáp ứng nhu cầu…

Còn Hùng chỉ có 2 khao khát giản đơn: được đi học và được đi ‘làm’. Đi học là vì tương lai bản thân, đi làm để báo hiếu cho cha và bà nội. Vậy mà xã hội ngoài kia, có bao câu chuyện đau lòng về cháu chửi bà, con quát cha, người lớn mà hành xử côn đồ với chính phụ mẫu, con nít bắt chước làm theo, chúng hả hê mở miệng chửi thề văng tục.

Trong khi cậu bé Hùng sống giản đơn, thanh khiết và giàu tình cảm. Em không ngại khó, không ngại khổ, không ngại những mùi hôi tanh rình từ các bãi rác, bởi em biết đó là nguồn sống duy nhất của gia đình.

Tuổi 11 đã học cách lăn lộn với đời nhưng em không lươn lẹo, xấu xí. Em không ngửa tay xin bố thí cũng không cướp giật hay trộm cắp theo kiểu bụi đời. Em sống chân thật và hồn nhiên đến ‘đau lòng’- bởi em là một người con, người cháu quá hiểu chuyện.

Chợt nhớ có ai đó từng nói, học hành không phải con đường duy nhất nhưng nó là con đường bình thường nhất, ngắn nhất, công bằng nhất và cũng có tác dụng nhất. Dù bạn có xuất thân ra sao, dáng dấp như thế nào, bố mẹ bạn là ai, chỉ cần thành tích của bạn đủ tốt, cơ hội của bạn vẫn rộng mở, tương lai của bạn vẫn xán lạn.

Thế nên, xin em đừng buồn nếu như chúng ta có xuất phát điểm thấp hơn người khác, bởi khi bản thân không còn đường lùi, nhất định phải dốc hết toàn lực mà chạy về phía trước. Hãy vững tin và theo đuổi từng con chữ, bởi biết đâu nó là sẽ thứ vũ khí duy nhất để giúp em đổi đời.

Thật sự thương em lắm, nào ai sinh ra muốn mình nghèo khó, nhưng hoàn cảnh của em, đã là chuyện chẳng thể nào thay đổi.

Ừ thì cuộc đời này, có những đứa trẻ buộc phải trưởng thành sớm hơn dự kiến, nhưng hãy tin rằng, khó khăn sẽ tôi luyện cho các em một tinh thần thép, một ý chí kiên định. Khi em lớn lên, em sẽ bản lĩnh đến phi thường, giông bão cỡ nào cũng không thể quật ngã.

Theo giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X