Khâm phục cậu bé nghèo 12 năm đi học cùng người mẹ tâm thần, ngủ chuồng heo: Xuất sắc đỗ Đại học

Bán đất ruộng để lo ma chay cho bố, dù nhỏ tuổi nhưng Lưu xin thuê lại trồng lúa. Mỗi năm người ta trả công cho cậu 250 kg gạo, đủ hai mẹ con sống qua ngày. Năm 7 tuổi, Lưu mới được đến trường. Tốt nghiệp tiểu học, cậu đứng thứ 3 toàn huyện

Bán đất ruộng để lo ma chay cho bố, dù nhỏ tuổi nhưng Lưu xin thuê lại trồng lúa. Mỗi năm người ta trả công cho cậu 250 kg gạo, đủ hai mẹ con sống qua ngày. Năm 7 tuổi, Lưu mới được đến trường. Tốt nghiệp tiểu học, cậu đứng thứ 3 toàn huyện về thành tích.

Lưu Tú Cường ‘nuôi’ mẹ từ năm 7 tuổi (Ảnh: Sohu)

Rồi Lưu theo học cấp 2, trở thành thủ khoa đầu vào và được miễn học phí nhưng em phải rời ngôi nhà cũ trên núi để vào thành phố. Họ hàng khuyên ngăn nên bỏ học ở nhà làm thuê, trông mẹ, Lưu dứt khoát “Chỉ có học mới thay đổi được vận mệnh” rồi sắp xếp đồ đạc, đưa mẹ theo cùng.

Không có tiền thuê nhà, Lưu đã dùng rơm làm một cái lán trên sườn đồi cạnh trường học. Phía trước cậu đào một cái hố ở khoảng đất trống, đặt một cái niêu sắt lên làm bếp. Ba năm cấp 2, để có tiền sinh hoạt cho hai mẹ con, ngoài giờ học, Lưu còn đi nhặt phế liệu.

Năm 2004, Lưu vào học cấp 3. Để thuận tiện cho việc đi lại, Lưu đến khảo sát ngôi trường mới rồi thuê một chuồng lợn bỏ hoang gần đó với giá 200 tệ (660.000 đồng)/tháng làm nhà cho hai mẹ con.

Năm 2007, Lưu bị ốm nặng và thi trượt đại học. Trong lúc tuyệt vọng, cậu nhìn thấy một câu nói trong sách: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”, cậu quyết định thi đại học một lần nữa.

Lưu Tú Cường từ bé đã làm đủ mọi chuyện, nhặt phế liệu để kiếm sống (Ảnh: Sohu)

Mùa hè năm 2008, Lưu đỗ vào Đại học sư phạm Lâm Nghi. Không đủ tiền nộp học phí nhưng Lưu vẫn nói với mẹ: “Miễn là con chăm chỉ đi làm kiếm tiền, mọi việc sẽ ổn. Dù thế nào cũng phải tiếp tục đi học”.

Câu chuyện của Lưu sau đó lan truyền trong cộng đồng mạng, được nhiều người chung tay giúp đỡ. Anh cũng được nhà trường bố trí một công việc bán thời gian để có thể vừa theo học, vừa kiếm được tiền lo cho cuộc sống.

Sau khi lên đại học, Lưu ngừng nhận sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân và chuyển sang giúp đỡ người khác. Anh đã gửi một phần tiền nhận được về Quý Châu hỗ trợ 3 đứa trẻ từng gặp trong những lần đi nhặt phế liệu.

Lưu nói rằng, tôn chỉ sống của anh là phải để người khác tôn trọng mình, thay vì thấy mình đáng thương. Năm 2012, Lưu tốt nghiệp đại học và trở về huyện Vọng Mô làm giáo viên cấp 2.

Lưu Tú Cường chăm sóc cho mẹ từng li từng tí (Ảnh: Sohu)

Năm đầu tiên, anh được phân công làm giáo viên chủ nhiệm của một lớp khối 9. Học sinh lớp Lưu năm đó đỗ vào cấp 3 đông nhất trường. Năm tiếp theo, Lưu được phân công chủ nhiệm một lớp 10 kém nhất trường.

Sau 3 năm dạy dỗ, thành tích của học sinh trong lớp đã có những bước chuyển mình “đáng kinh ngạc” .Tất cả 47 học sinh trong lớp đều đỗ đại học. Năm 2018, thầy Lưu được bình chọn là một trong những giáo viên ưu tú nhất Trung Quốc.

Không chỉ giảng dạy, Lưu còn tích cực làm từ thiện. Anh đã thành lập một quỹ học bổng giúp đỡ cho hơn 1.600 học sinh nghèo.

Người đàn ông này cũng có hơn 400 bài phát biểu truyền cảm hứng cho những học sinh ở vùng sâu, vùng xa. “Con người chỉ trở nên vĩ đại khi học tập không ngừng”, Lưu luôn nói câu mở đầu như vậy trong tất cả các bài phát biểu của mình.

Lưu Tú Cường thời còn là sinh viên (Ảnh: Sohu)

Có ai đó từng nói, học hành không phải con đường duy nhất nhưng nó là con đường bình thường nhất, ngắn nhất, công bằng nhất và cũng có tác dụng nhất. Dù bạn có xuất thân ra sao, dáng dấp như thế nào, bố mẹ bạn là ai, chỉ cần thành tích của bạn đủ tốt, cơ hội của bạn vẫn rộng mở, tương lai của bạn vẫn xán lạn.

Thế nên, đừng buồn nếu như chúng ta có xuất phát điểm thấp hơn người khác, bởi khi bản thân không còn đường lùi, nhất định phải dốc hết toàn lực mà chạy về phía trước. Như câu chuyện của thầy giáo Lưu là minh chứng điển hình.

Phải nói là hiếm có ai trên cuộc đời này, chịu khổ giỏi như cậu bé năm ấy. Mới 7 tuổi buộc phải trưởng thành, tự mưu sinh, tự tìm cách chăm sóc người mẹ tâm thần. Đã thế cậu còn học rất giỏi, thậm chí còn ý thức rất rõ ‘chỉ có đi học mới giúp bản thân thoát nghèo’.

Vậy mà nhìn xã hội ngoài kia, nhiều ‘đứa trẻ’ lớn tồng ngồng vẫn ăn bám mẹ cha, thậm chí vòi vĩnh, ích kỷ, ỷ lại, sẵn sàng ra tay sát hại nếu không được như ý muốn. Trong khi những con người nghèo khổ lại rất giàu nghị lực sống, có hiếu đến bất ngờ.

Lưu Tú Cường nay đã thành nhà giáo ưu tú (Ảnh: Sohu)

Ngẫm hoàn cảnh thầy Lưu, từng là một trẻ rơi vào cảnh khốn khổ, chạy ăn từng bữa, nhặt phế liệu, ngủ chuồng heo, nuôi thêm mẹ bệnh tật. Vậy mà thầy vẫn quyết tâm học hành, với ý chí sắt đá và kiên định nhất. Thầy không hề đổ lỗi cho số phận, không ép bản thân mình phải chọn 1 trong 2 như hàng xóm khuyên bảo, vì thầy luôn tâm niệm, mình có thể chọn cả 2: gia đình lẫn tương lai.

Vậy mà nhiều người trẻ hiện nay, trong lúc nên cố gắng học hành nhất lại chọn dành thời gian để yêu đương mù quáng, trong lúc bản thân còn chịu khổ được nhiều nhất lại chọn cách sống an nhàn, để rồi lúc phát hiện thanh xuân trôi qua bản thân chẳng làm được gì cho ra hồn.

Sau cùng, khâm phục ở thầy Lưu chính là tấm lòng hiếu thảo, bởi có tài mà không có đức là kẻ vô dụng. Và ông trời chỉ đem lại may mắn, bình an, hạnh phúc cho những ai vừa có nghị lực vừa giàu tình cảm yêu thương.

BÀI LIÊN QUAN
X