Cuộc sống lay lắt của 2 mẹ con chạy thận “mắc kẹt” ở phòng trọ vì Covid-19

Bữa cơm đạm bạc giữa đại dịch Covid-19 Nhiều tháng nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Trương Thị Lê (sinh năm 1977) và con gái là Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1999) “mắc kẹt” trong phòng trọ rộng chưa đầy 10m2 nằm lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ ở (xã Ngọc Hồi,

Bữa cơm đạm bạc giữa đại dịch Covid-19

Nhiều tháng nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Trương Thị Lê (sinh năm 1977) và con gái là Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1999) “mắc kẹt” trong phòng trọ rộng chưa đầy 10m2 nằm lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ ở (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Hai mẹ con chị Lê là bệnh nhân chạy thận nhân tạo hàng chục năm liền, hiện đang theo chạy thận ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Bên mâm cơm trưa có chút rau với lạc, 2 mẹ con chị Lê lầm lũi ngồi ăn mà không ai nói với ai câu nào. Từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, ngoài thời gian đến viện chạy thận, họ chỉ quanh quẩn trong nhà trọ không dám đi đâu ra ngoài. Mẹ con chị hiểu rằng, với người bệnh nền như mẹ con chị nếu để bị nhiễm Covid-19 thì nguy cơ trả giá bằng tính mạng là rất cao.

Cuộc sống lay lắt của 2 mẹ con chạy thận mắc kẹt ở phòng trọ vì Covid-19 - 1

Căn phòng trọ của 2 mẹ con chị Lê rộng chưa đầy 10m2 nằm lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ ở (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Cuộc sống lay lắt của 2 mẹ con chạy thận mắc kẹt ở phòng trọ vì Covid-19 - 2

Bữa cơm trưa giữa đại dịch Covid-19 của 2 mẹ con bị suy thận.

“Không thể về quê nên gạo cùng nhiều vật dụng dùng cho sinh hoạt của 2 mẹ con tôi đã hết từ lâu. Thời gian qua chúng tôi sống nhờ vào gạo, mắm muối, do chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm hỗ trợ. Có gì ăn nấy, chi tiêu tằn tiện, việc đi chợ khó khăn vì nơi ở bị phong tỏa để giữ an toàn cho mọi người trong ngõ trước dịch bệnh”, chị Lê nói.

2 mẹ chị Lê quê ở (xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), cho đến nay chị Lê chạy thận nhân tạo đã ngót 11 năm, con gái chị mới 22 tuổi đời nhưng cũng có tới 6 năm ròng rã theo mẹ chạy thận ở bệnh viện.

Cuộc sống lay lắt của 2 mẹ con chạy thận mắc kẹt ở phòng trọ vì Covid-19 - 3

Chị Trương Thị Lê chạy thận cho đến nay đã ngót 11 năm.

Cuộc sống lay lắt của 2 mẹ con chạy thận mắc kẹt ở phòng trọ vì Covid-19 - 4

Cánh tay chị Lê biến dạng nổi đầy u cục do chạy thận quá lâu.

Nói đến căn bệnh suy thận của mình chị lê kể lại, khoảng năm 2011, chị thấy trong người có những biểu hiện lạ về sức khỏe. Sau khi đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bác sĩ thông báo chị bị suy thận ở cấp độ 3 thuộc cấp độ cao. Đến cuối năm 2011 chị bắt đầu phải chạy thận nhân tạo một tuần 3 lần ở Viện y học Cổ truyền Trung ương.

Từ đó đến nay đã ngót 11 năm chị Lê sống nhờ vào bệnh viện, thời gian ở nhà với gia đình gần như không có, một tuần chị vào viện 3 lần chạy thận và cũng đã đổi nhiều viện khác nhau. Không chỉ vậy, chị Lê còn bị tiểu cầu quá thấp, thi thoảng phải truyền thêm huyết tương. Mỗi tháng trung bình hai mẹ con chi tiêu tằn tiện lắm cũng hết khoảng 5 triệu đồng, trong khi đó không làm ra được đồng nào.

“Lòng tôi đau như dao cứa mỗi lần nghĩ đến tuổi xuân của con gái”

Mỗi lần nhìn con gái đang tuổi xuân thì cánh tay biến dạng, tóc cắt ngắn như con trai, lầm lũi đến viện 3 lần một tuần để chạy thận, chị Lê không khỏi xót xa. Nhiều đêm không ngủ được, chị nhìn đứa con gái nằm co quắp ở góc giường mà lòng đau như có dao cứa. Những lúc như vậy chị chỉ biết khóc rồi nuốt nước mắt vào trong mà không biết phải làm gì, làm như thế nào hay trông cậy vào ai để cứu rỗi cuộc đời con gái.

Chị Lê kể lại, năm học lớp 10, Liên bị ngất trong lớp học, sau đó gia đình cho đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ bảo cô gái bị suy thận ở cấp độ 3, cấp độ nguy hiểm. Sau thời điểm điều trị ban đầu ở bệnh viện Liên trở lại trường học, nhưng thầy giáo thấy sức khỏe yếu quá không đảm bảo việc học hành, nên gia đình cho cháu ở nhà.

Con gái chị có dáng người nhỏ nhắn, tóc cắt ngắn, cánh tay trái của cô gái ở tuổi xuân thì nổi đầy u cục. Ngày biết mình bị bệnh phải nghỉ học, Liên thấy nuối tiếc, suy sụp trong một thời gian dài, sau đó chấp nhận số phận theo mẹ chạy thận từ đó đến nay.

Cuộc sống lay lắt của 2 mẹ con chạy thận mắc kẹt ở phòng trọ vì Covid-19 - 5

Em Nguyễn Thị Liên con gái chị Lê năm nay 22 tuổi nhưng cũng 5 năm trời cùng mẹ chạy thận ở bệnh viện.

“Dịch dã như thế này cháu không đi làm thêm được, nghỉ ở phòng trọ mấy tháng nay rồi. Trước chưa có dịch, cháu làm thêm ở một xưởng may quần áo nam nữ, một tháng cũng có thu nhập từ 3 đến 3,5 triệu đồng. Số tiền đó đủ để cháu chia trả tiền phòng trọ, tiền thuốc cần dùng thêm, tằn tiện thì đủ lo cho bản thân”, Liên chia sẻ.

Liên tâm sự, từ khi về ở xóm chạy thận, 2 mẹ con sống cùng với nhiều người bị bệnh giống mình. Đặc biệt, trong số đó có một người con trai hơn Liên vài tuổi cũng chạy thận được nhiều năm, sau đó 2 người nảy sinh tình cảm. Chuyện cưới xin có lần được người bạn trai đề cập đến nhưng Liên đã gạt đi.

“Vài năm trước anh ấy cũng có nhã ý muốn hai người cưới nhau rồi về ở chung một nhà nhưng cháu không đồng ý. Cháu nghĩ, 2 người cùng cảnh bệnh tật nên ở với nhau được ngày nào thì hay ngày đấy, ở bên cạnh nhau, yêu thương nhau thật lòng là hạnh phúc lắm rồi. Đang sống vui vẻ thế này, cưới nhau xong rồi chẳng biết ai đi trước ai, ở với nhau được thời gian rồi lại chia xa thì buồn lắm. Thôi, cứ sống bên cạnh nhau, nhìn thấy nhau vui vẻ, khỏe mạnh là hạnh phúc lắm rồi”, Liên bật khóc.

Cuộc sống lay lắt của 2 mẹ con chạy thận mắc kẹt ở phòng trọ vì Covid-19 - 6

Bệnh tật hành hạ, tay biến dạng, có người yêu nhưng Liên quyết định không nghĩ đến chuyện cưới xin.

Chị Lê cho biết thêm, ở quê nhà hiện tại có chồng và một cậu con trai đang sinh sống. Từ ngày hai mẹ con bị bệnh, tiền bạc, của cải trong nhà lần lượt ra đi. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Đạm trước đây cũng có nghề mổ trâu bò, sau khi vợ con bị bệnh vốn liếng không còn nên giờ thi thoảng mua trâu, bò về vỗ béo rồi lại bán đi.

Bà Trịnh Thị Hường, Trưởng thôn Nội, xã Thượng Lâm cho biết, hoàn cảnh gia đình chị Trương Thị Lê đặc biệt khó khăn. Trước đây gia đình có trong danh sách hộ nghèo của địa phương, thôn cũng đã có lần vận động bà con ủng hộ gia đình nhưng số tiền nhận được không thấm vào đâu so với hoàn cảnh. Hai mẹ con lần lượt bị suy thận cấp độ III, nhiều năm nay sống ở nhà thì ít mà ở viện thì nhiều.

“Hoàn cảnh gia đình chị Lê là người thật, việc thật, tôi mong muốn nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm, chia sẻ phần nào với hoàn cảnh của hai mẹ con”, bà Hường mong muốn.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 4206 : Chị Trương Thị Lê

Địa chỉ: Thôn Nội, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Điện thoại: 0862.399.225

Theo: https://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/cuoc-song-lay-lat-cua-2-me-con-chay-than-mac-ket-o-phong-tro-vi-covid19-20210828172242134.htm

BÀI LIÊN QUAN
X