Cuộc gọi cuối cùng và dự định dang dở của mẹ đơn thân 38 tuổi qua đời vì COVID-19

Chị Đào Thị Minh, sinh năm 1983 – nữ công nhân Công ty Hosiden (Bắc Giang) vừa qua đời do COVID-19 là một trường hợp rất đặc biệt ở Việt Nam cho đến lúc này. Diễn biến bệnh của chị Minh rất nhanh, lại không hề có bệnh lý nền như những trường hợp tử

Chị Đào Thị Minh, sinh năm 1983 – nữ công nhân Công ty Hosiden (Bắc Giang) vừa qua đời do COVID-19 là một trường hợp rất đặc biệt ở Việt Nam cho đến lúc này. Diễn biến bệnh của chị Minh rất nhanh, lại không hề có bệnh lý nền như những trường hợp tử vong khác, dù rất nỗ lực nhưng nữ công nhân này đã mất khi đang trên đường chuyển lên tuyến trung ương.

Đau lòng hơn, chị Minh hiện là bà mẹ đơn thân, có một người con trai tên Hiếu năm nay 6 tuổi, đang ở với bà ngoại ở thôn Pồ Nim, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Bà Lý Thị Thơ (SN 1961, mẹ chị Minh) cho biết, từ khi mẹ mất, Hiếu chẳng trò chuyện với ai, đến bữa cơm là ra sân mời mẹ về ăn khiến những người chứng kiến không cầm nổi nước mắt.

Trong cuộc trò chuyện, bà Thơ liên tục khóc nấc vì không thể nghĩ rằng con gái mình lại mất nhanh đến vậy. Bởi từ trước đến nay chị Minh vốn là người khỏe mạnh, chẳng có bệnh lý nền gì, thậm chí những ngày mắc bệnh chị vẫn còn vui vẻ, động viên bố mẹ yên tâm.

Chị Minh không có bệnh lý nền vì thế việc tử vong nhanh khiến gia đình không tin đó là sự thật. Ảnh mang tính minh họa.

“Con tôi khổ từ nhỏ, lúc lập gia đình cũng khổ phải một mình nuôi con. Đến lúc chết cái khổ vẫn đeo bám khi chẳng có người thân nào bên cạnh”, bà Thơ đau xót nói.

Bà Thơ chia sẻ, ngày còn cắp sách tới trường do nhà nghèo nên học hết lớp 9 chị Minh phải nghỉ học ở nhà cùng bố mẹ làm nương, rẫy. Sau đó chị vào miền Nam làm thuê suốt 6 năm trời. Khi tích cóp được ít vốn chị về nhà và lấy chồng người quê Yên Thế (Bắc Giang).

Lấy chồng có thai được 2 tháng, hai vợ chồng xảy ra bất hòa không thể hàn gắn, chị Minh quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân. Thương con gái, bà Thơ đón về nhà nuôi và chị Minh sinh con ở Lạng Sơn. Sau sinh chị Minh ở nhà 2 năm để nuôi con cho cứng cáp rồi mới gửi bố mẹ chăm sóc, còn bản thân xuống Bắc Giang làm công nhân, kể từ đó đến nay đã 4 năm trời.

Là mẹ đơn thân, gia đình lại chẳng khá giả gì nhưng chị Minh luôn dành những gì tốt nhất cho đứa con trai duy nhất. Khi con trai cứng cáp, có không ít người đàn ông cùng cảnh đến ngỏ ý để “rổ rá cạp lại” với chị Minh, nhưng người mẹ này quyết không đồng ý.

“Minh nói với tôi rằng, sẽ dành cả cuộc đời còn lại để chăm lo cho con trai trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn. Vậy mà giờ đây, con trai mới 6 tuổi, Minh đã bỏ bố mẹ già, bỏ con thơ ra đi mãi mãi”, bà Thơ chia sẻ.

Chị Minh quyết không đi bước nữa để dánh sự yêu thương cho đứa con trai duy nhất.

Quyết không đi bước nữa, chị Minh được bố mẹ đồng ý cho mảnh đất ở gần nhà để xây nhà lo cho tương lai của con. Gần đây, rất nhiều lần chị Minh chia sẻ với mẹ rằng, tới đây sẽ cố gắng làm nhà để hai mẹ con có chỗ ở ổn định, nương tựa vào nhau sinh sống. Thế nhưng dự định nhỏ nhoi ấy sẽ mãi mãi không trở thành hiện thực vì mọi việc xảy ra quá bất ngờ.

Ngày 22/5, khi đang điều trị tại bệnh viện dã chiến, chị Minh bất ngờ sốt rồi phổi ngày càng nặng lên, sau đó chị chỉ kịp gọi điện báo mẹ rằng phải chuyển viện.

Tại Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Giang, chị Minh được hỗ trợ thở ô xy. Sáng và trưa ngày 23/5 gia đình không thể liên lạc được, ai cũng lo lắng. Đến tối cùng ngày, chị Minh gọi về thông báo tình hình vẫn ổn, khi đó chị còn khoe vẫn ăn được một cốc cháo nên mọi người yên tâm.

Nói chuyện với mẹ, chị bảo rằng bản thân không bệnh lý nền nên không quá lo lắng, nhưng do dịch bệnh phức tạp chẳng biết bao giờ mới được về quê, vì thế chị nhờ ông bà chăm sóc cho bé Hiếu giúp chị. Lúc đó, bà Thơ đang ở dưới bếp và nói với con gái rằng: “Con cứ yên tâm điều trị, khi nào về mẹ sẽ nấu món thịt vịt con yêu thích nhất để ăn cho thỏa thích”. Không ngờ rằng, đó lại là cuộc nói chuyện cuối cùng, bà Thơ chẳng bao giờ nấu được món thịt vịt cho con gái nữa.

Trong đợt dịch thứ 4 này nhiều người trẻ không thể chủ quan. Ảnh mang tính minh họa.

Đêm ngày 24/5, chị Minh bất ngờ diễn biến nặng và được chuyển xuống Hà Nội cấp cứu nhưng đang đi trên đường thì tử vong. Khi đó, các bác sĩ gọi điện liên tục cho gia đình, do nhà có trẻ nhỏ bà Thơ không để chuông nên không hề hay biết có cuộc gọi. Đến gần 5h sáng, công an gọi cửa thông báo tình hình, lúc đó hai vợ chồng bà Thơ chỉ ú ớ trong miệng rằng: “Ơ, ơ…sao lại thế. Có nhầm lẫn gì không?”.

Biết chính xác con gái đã tử vong, bà được đưa xuống Bệnh viện Phổi Bắc Giang nhưng chỉ được đứng ngoài cổng nhìn theo xe chở thi thể con ra ngoài. Đi hỏa táng cũng không được vào gần, cả nhà chỉ biết lặng người than khóc: “Con ơi! Sao cuộc đời lại khổ thế này. Con chết chẳng kịp dặn dò đứa con bé bỏng. Bố mẹ cũng chẳng được nhìn mặt con lần cuối”.

Khi đưa tro cốt về nhà, chính quyền cũng lo chôn cất, gia đình chẳng ai được đến gần. Dịch bệnh gia đình đành chấp nhận, chỉ xót xa cho số phận người mẹ đơn thân chịu cả một đời cô quạnh.

Theo phong tục địa phương, chị Minh đã đi lấy chồng thì không được lập ban thờ ở nhà bố mẹ đẻ vì thế cũng chẳng được cúng cơm theo tục lệ thông thường. Ngày đầu mẹ mất, bà Thơ dặn bé Hiếu ra sân gọi mẹ vào ăn cơm, đứa bé hỏi lại bà rằng: “Bà ơi! Mẹ con có về đâu sao lại gọi vào ăn cơm”. Nghe vậy bà Thơ nhẹ nhàng giải thích, rồi từ đó mỗi bữa cơm Hiếu lại ra sân mời mẹ về ăn cùng. Nghe lời đứa trẻ lên 6 gọi mời mẹ, cả nhà bà Thơ đau xót vô cùng.

Giờ đây, dù hoàn cảnh khó khăn, tuổi đã cao nhưng bà Thơ sẽ phải cố gắng thay con gái nuôi cháu ngoại nên người. Một phần tro cốt chị Minh được gia đình gửi lên chùa, đợi sau này bé Hiếu lớn hơn, làm nhà dựng cửa sẽ đưa mẹ về thờ phụng, để hai mẹ con được gần nhau như mong ước chị Minh từng mong muốn.

BÀI LIÊN QUAN
X