Cô gái Việt quỳ trước cha già sau 30 năm lưu lạc: Nhờ dịch bệnh mới có cơ hội trở về

Làm sao có thể không mừng khi nhiều người trong thôn từng chứng kiến cảnh ông Hoạt dùng hơn nửa đời để tìm kiếm, mong ngóng tung tích con gái trong vô vọng. Cả làng xã gọi đây là cuộc đoàn tụ thần kỳ bởi không ai nghĩ, gia đình này còn có ngày đoàn

Làm sao có thể không mừng khi nhiều người trong thôn từng chứng kiến cảnh ông Hoạt dùng hơn nửa đời để tìm kiếm, mong ngóng tung tích con gái trong vô vọng. Cả làng xã gọi đây là cuộc đoàn tụ thần kỳ bởi không ai nghĩ, gia đình này còn có ngày đoàn viên.

Khoảnh khắc đầy xúc động khi hai cha con gặp lại (Ảnh: Người Đưa Tin)

Lần về quá khứ vào năm 1990, khi mới 12 tuổi, chị Hà Thị Chiến theo lời của một người quen rủ sang Trung Quốc. Nhưng vừa đặt chân qua biên giới, chị lại bị bán cho một gia đình bên đó. Tại gia đình này, chị liên tục bị hành hạ, bị cưỡng bức và sinh ra một bé gái bụ bẫm.

Sau khi sinh nở, gia đình nhà chồng hứa sẽ đưa về Việt Nam thăm mẹ cha. Nhưng trái với lời hứa, chị lại bị bán sang một nhà chứa và phải chịu một cuộc sống đầy cơ cực, bị tuyệt giao với những người chung quanh suốt 24 năm qua.

Trong suốt 30 năm sống trong cảnh lang bạt xứ người, chịu nhiều đắng cay tủi nhục nên rất nhiều lần chị Chiến tìm cách bỏ trốn. Nhưng mỗi lần thực hiện ý định, chị đều thất bại do bị các đối tượng quản lý chặt chẽ. Nhiều lần vỡ kế hoạch, chị lại nhận đủ những trận đòn roi, chúng đánh đập khiến chị sợ hãi không dám nung nấu ý định. Miếng ngon chẳng có mà đòn đau nhớ đời.

Chị Chiến hạnh phúc khi được về tới Việt Nam (Ảnh: Người Đưa Tin)

Rồi thời gian 10 năm, 20 năm…cứ đằng đẵng trôi đi khiến ước mơ được trở về của chị như héo mòn, tưởng chừng sẽ chôn theo chị nơi xứ người. Nhưng đầu năm 2020, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, lợi dụng sự buông lỏng của chủ nhà chứa, chị Chiến đã bỏ trốn được về nước.

Khi về đến Việt Nam, chị được một số người tốt bụng giúp đỡ, được cho ăn, cho tiền rồi đưa ra bến xe về Phú Thọ. Tuy nhiên, do thời gian xa quê quá lâu, quên nhiều tiếng mẹ đẻ nên chị lạc vào tỉnh Quảng Nam. Tại đây, chị được dẫn chị đi cách ly, thăm khám… rồi sau đó được đưa về trụ sở của công an tỉnh Phú Thọ, nhờ vậy mà chị mới được đoàn viên cùng gia đình.

Ngày cha con đoàn tụ, diễn ra trong sự xúc động, nghẹn ngào, giọt nước mắt với niềm hạnh phúc không tả xiết của gia đình, người thân. Dù được công an và chính quyền địa phương thông báo trước, nhưng ông Hoạt vẫn không thể tin đây là sự thật.

Phải cho đến khi các chiến sỹ công an đưa chị Chiến đến ngay trước mắt, cha con tay nắm tay, nước mắt tuôn trào, ông mới dám nghĩ đây không phải là giấc mơ. “Ở cái tuổi này ngờ đâu lại có ngày gặp lại con, còn có thể đón và ôm con như thế này. Tôi không biết nói gì ngoài cảm ơn các chú bộ đội, chú công an đã giúp đỡ đưa cháu về với gia đình…”, người cha già gạt nước mắt, xúc động nói.

Cha con đoàn viên trong căn nhà dột nát (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Dù muốn tâm sựu rất nhiều, nhưng do quên nhiều tiếng mẹ đẻ nên chị Chiến chỉ biết cầm tay các cán bộ chiến sỹ, nước mắt chị trào ra nói những lời cảm ơn không “tròn vành rõ chữ”. Chừng đó thôi cũng đủ để khiến những người chứng kiến phải rơi lệ theo.

“Gia đình ông Hoạt vốn thuộc diện hộ nghèo, kinh tế đặc biệt khó khăn. Vợ ông bị bại liệt phải nằm giường nhiều năm, bản thân ông Hoạt cũng bị tật ở chân phải đi tập tễnh. Sau khi thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình, chính quyền địa phương cũng đang phối hợp giúp đỡ để chị Chiến sớm ổn định cuộc sống”, Chủ tịch UBND xã Thu Ngạc cho hay.

Có lẽ, những câu chuyện đoàn viên sau nhiều năm xa cách và lưu lạc ở xứ người không còn là điều hiếm gặp. Nhưng mỗi hình ảnh mà chúng ta được thấy, đều mang tới những cảm xúc nghẹn ngào khó tả, nhất là trong mùa dịch đầy khó khăn.

Rõ ràng, 30 năm là quãng thời gian quá dài, gần như chôn vùi thanh xuân của một người phụ nữ, và khiến nỗi nhớ con của người cha già rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. Nhưng cảm phục làm sao, trong những năm tháng đầy khắc nghiệt, dù chị Chiến gần như quên tiếng mẹ đẻ, chị vẫn ‘nhớ’ phải tìm cách về nhà. Còn ông Hoạt dù điều kiện kinh tế mỗi lúc một kiệt quệ, vẫn luôn nghĩ cách đi tìm con.

Sự kiên trì và bền bỉ ấy, chỉ có tình thân mới làm được, chỉ có máu mủ mới luôn nhớ về nhau. Nhưng cũng vì quãng thời gian quá lâu mà nỗi đau dường như khắc sâu vào từng thớ thịt của cơ thể, để rồi ngày tương phùng, bao nhiêu cảm xúc cứ vỡ òa ra.

Cuối cùng, cái kết có hậu đã gõ cửa, nó là điều thần kỳ ngay mùa dịch bệnh như một minh chứng về những kỳ tích luôn xảy ra trong xã hội này – nhưng nó phải được bắt nguồn từ chính con người, với một ý chí sắt đá và kiên định – đừng đầu hàng số phận, đừng buông bỏ tìm cơ hội, bởi trong cái rủi luôn ẩn chứa nhiều điều may.

BÀI LIÊN QUAN
X