Chồng cả đời không giúp việc nhà, cụ bà Thái Bình quyết ly dị ở tuổi 86: Muộn còn hơn không

Chính vì sự khắc nghiệt của miệng đời, rất nhiều phụ nữ lớn tuổi đến bây giờ vẫn sống cam chịu, nhẫn nhịn cho qua dù nếm muôn vàn trái đắng. Vậy mà kỳ lạ làm sao, một cụ bà ở Thái Bình lại đủ ‘dũng cảm’ để ly dị ở tuổi 86 với lý

Chính vì sự khắc nghiệt của miệng đời, rất nhiều phụ nữ lớn tuổi đến bây giờ vẫn sống cam chịu, nhẫn nhịn cho qua dù nếm muôn vàn trái đắng. Vậy mà kỳ lạ làm sao, một cụ bà ở Thái Bình lại đủ ‘dũng cảm’ để ly dị ở tuổi 86 với lý do – người chồng không chịu giúp việc nhà.

Bà Dung vui vẻ ở viện dưỡng lão (Ảnh: VNE)

Sống trong một viện dưỡng lão ở Hà Đông (Hà Nội) gần 2 năm, bà Lưu Thị Dung (quê Thái Bình) vẫn giữ được nếp sinh hoạt như trước. Cứ 4h30′ sáng bà dậy tập trường sinh dưỡng lão. Đến 7h, bà đã vận động cơ thể và ăn sáng xong xuôi.

Căn phòng ở trên tầng 3 được bà dọn sạch đến mức cảm tưởng như không có hạt bụi nào. Ở tuổi này, bà Dung khỏe mạnh, minh mẫn và là trường hợp hiếm hoi ở đây tự chăm sóc được cho bản thân. “Chỉ hôm nào trời lạnh quá thì tôi mới nhờ các cháu giặt giúp quần áo, còn bình thường tôi tự phục vụ hết”, bà nói.

Ít ai biết, bà có hoàn cảnh đến viện dưỡng lão chẳng giống ai. Thời trẻ bà Dung công tác trong một cơ quan nhà nước. Tuổi đôi mươi bà kết hôn với một người đồng nghiệp (đã qua một đời vợ), tuy nhiên vợ chồng bà không có con.

Không chấp nhận được tình cảnh phải gánh vác việc nhà quá nhiều nên bà từng muốn chia tay vào các năm 1985, 1992. Song, thời điểm đó, gia đình can ngăn nên bà đành chấp nhận sống tiếp. Lẽ thường, càng về già người ta càng mong có vợ, có chồng để nương tựa.

(Ảnh: VNE)

Tuy nhiên, đến lúc này tuổi già, sức yếu, không nhận được sự đỡ đần hay chia sẻ, bà Dung không thể tiếp tục chịu đựng nữa. “Mấy năm nay tôi bị đau lưng, nhiều bữa không thể đứng dậy được. Tôi muốn thuê người giúp việc nhưng ông ấy nhất quyết không chịu. Nhiều bữa tôi vừa nấu cơm, vừa đau lưng ứa nước mắt”, bà kể.

Rồi những lúc đau ốm ấy, muốn nhờ chồng cắm giúp nồi cơm, rửa giúp cái bát nhưng đều không được. “Nghĩa vợ chồng sống với nhau hơn 60 năm mà như người dưng, mình hy sinh cho người ta, chứ chưa từng được đáp lại”, bà Dung nói.

Sau nhiều lần hạ quyết tâm, bà Dung quyết định đệ đơn ra tòa. Gần hai năm giải quyết các thủ tục pháp lý, nhờ sự trợ giúp của các cháu, bà mới được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân ‘địa ngục’. Ngay sau đó, bà chuyển lên Hà Nội và viện dưỡng lão sống, lúc đi chỉ xách theo vài bộ quần áo.

Lương hưu hơn 4 triệu đồng, bà Dung được các cháu hỗ trợ thêm để có thể thuê một căn phòng riêng với chi phí hơn 9 triệu mỗi tháng trong viện dưỡng lão này. Một người cháu của bà Dung cho biết, trước khi mất bố đã dặn dò các con phải chăm lo cho cô.

(Ảnh: Saostar)

Trong mắt các cháu, bà Dung là người quyết đoán, sống tương tác với người xung quanh tốt, tuổi đã cao nhưng bà không ngại thay đổi cuộc sống và có thể thích ứng nhanh.

“Thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa đỡ đần bà được gì. Tất cả con cháu đều rất yêu thương bà, nên chúng tôi có một quỹ, ai biếu bà thì gửi vào đó. Bà sống bao lâu cũng không phải lo gì về kinh tế cả”, cháu bà Dung cho biết thêm.

Có lẽ khi biết được câu chuyện này, nhiều người sẽ thấy bà Dung ‘tội nghiệp’ quá, đã không con cái lại sống trong viện dưỡng lão. Nhưng nếu ngẫm kỹ hơn, xin hãy chúc phúc cho bà, bởi bà đã có quyết định sáng suốt và ‘may mắn’ hơn rất nhiều phụ nữ Việt Nam còn lại.

Tính ra ở tuổi 86, ly hôn chồng là chuyện hiếm gặp. Nó tuy muộn màng nhưng phải làm thôi. Bởi người phụ nữ ấy đã quá cam chịu rồi. Hơn 60 năm ngày nào bà cũng làm việc nhà, cúc cung tận tụy cho chồng, vậy mà đến cái chổi, ông chồng cũng chẳng buồn cầm lên. Đã thế khi bà muốn thuê osin thì bạn đời gạt phăng đi, chỉ muốn được bà hầu hạ.

Trong khi công việc gia đình gọi là ‘không tên’ nhưng đếm không xuể. Nếu đã có người nấu thì phải có người rửa chén, có người giặt đồ cho mình thì nên tự biết ý mà tự phơi lên. Nhưng thật buồn cho quan niệm của người xưa, việc vụn vặt là việc cùa phụ nữ còn đàn ông về đến nhà chỉ cần ngồi chơi.

Kéo dài hàng chục năm như thế, đến con vật còn thở không được, huống chi là con người. Như trường hợp của bà Dung, hơn 80 tuổi vẫn nai lưng làm việc nhà, sức đâu mà chịu nổi. Lý do ly hôn nghe có vẻ ‘cỏn con’ nhưng thực ra ẩn chứa quá nhiều đau thương, mệt mỏi.

Cũng may bà Dung còn có những người cháu họ hiểu chuyện, biết cảm thông và yêu thương, là động lực để bà sống tiếp mỗi ngày. Ngẫm lại đời phụ nữ, đến tuổi gần đất xa trời mới biết hạnh phúc và tự do là gì, cũng thật chua chát và xót xa!

Nhưng thà muộn còn hơn không, bởi khoảng thời gian về sau, bà Dung sẽ tìm thấy được sự an yên đúng nghĩa. Sáng không còn lo chuyện cơm nước, trưa không còn quần quật lau nhà, tối chẳng cần phải nấu ăn dọn rửa. Đời là để hưởng thụ nên phải biết trân quý từng phút giây.

(Ảnh: VNE)

Thôi thì từ câu chuyện nói trên, mong chị em phụ nữ hãy tỉnh táo khi chọn chồng, lỡ chọn sai thì cứ dũng cảm ‘chọn lại’. Tất nhiên, chúng ta không cổ xúy cho sự tan vỡ vì những chuyện lặt vặt.

Nhưng khi ‘lặt vặt’ trở thành gánh nặng hay sự cam chịu trải dài theo năm tháng, thì cứ thoải mái giải thoát cho bản thân. Bởi mình không lấy thương mình thì còn muốn được ai thương?

Theo Giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X