Cán bộ Sapa thống thiết kêu gọi du khách đừng cho tiền trẻ em: Các bà mẹ mập đợi con đem tiền về

Từ nhiều năm nay, nạn ăn xin tại các địa điểm du lịch ngày càng nhiều và phức tạp hơn xưa. Nhìn vào những người lem luốc, bệnh tật, cầm nón, ẵm em bé, ôm người già, nằm la liệt trên vỉa hè, dưới lòng đường mà lòng người đang vui cũng thấy không thoải

Từ nhiều năm nay, nạn ăn xin tại các địa điểm du lịch ngày càng nhiều và phức tạp hơn xưa. Nhìn vào những người lem luốc, bệnh tật, cầm nón, ẵm em bé, ôm người già, nằm la liệt trên vỉa hè, dưới lòng đường mà lòng người đang vui cũng thấy không thoải mái. Ngừng lại cho tiền, mua chút quà bánh tặng thì chẳng phải việc gì quá đến mức không làm được. Mà vấn đề ở chỗ, người khó khăn thì ít, chủ yếu lừa đảo thì nhiều. Đặc biệt là khi những người này tham gia vào đường dây chăn dắt, có người cầm đầu và trình lừa đảo của họ ở mức chuyên nghiệp.

Đâu chỉ có ở miền xuôi, đến vùng núi phía Bắc, đặc biệt là Sapa vào những mùa này, khách du lịch dễ dàng nhìn thấy trẻ em ăn xin dọc theo các tuyến đường, địa điểm tham quan. Những đứa trẻ nhỏ xíu mặt mày, quần áo dính bẩn, ánh mắt ngây thơ chìa tay ra xin tiền thật khiến lòng người xót xa. Nếu không cho thì không chịu được, nhưng nếu cho thì sẽ gặp tình trạng này: “Chỉ cần cho một đứa thôi, những đứa khác sẽ xúm lại và lúc này bạn chỉ còn cách bỏ chạy thật nhanh.”

Ảnh Vietnamnet

Cũng vì tình trạng ăn xin quá nhiều, chủ yếu là trẻ em, UBND phường Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã phát loa thông báo, nhắc nhở du khách không cho tiền cũng như mua hàng rong của trẻ em nơi đây. Việc này nhằm bảo vệ các em khỏi việc bị người lớn bóc lột.

Cụ thể, mạng xã hội truyền nhau một đoạn clip ghi lại cảnh chiếc xe của Đội Kiểm tra trật tự đô thị cầm loa đọc lời kêu gọi với nội dung:

“Trên địa bàn thị xã Sa Pa trong ngày đông giá buốt có những trẻ thơ đang bị ép đi ăn xin và bán hàng. Đây là hành động trục lợi trên thân thể trẻ em, đang vi phạm pháp luật về quyền trẻ em. Tổ công tác chúng tôi kính mong quý khách khi đi tham quan và du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa hãy vui lòng phản đối việc làm trên bằng hành động thực tế, không mủi lòng thương hại và cho tiền trẻ nhỏ, không mua hàng của các cháu.

Như vậy là chúng ta đã góp phần bảo vệ quyền trẻ em. Bởi những bà mẹ béo ù béo mập đang ngồi trên ghế đá công viên, quanh khu vực nhà thờ và sân quần Sa Pa để chờ những đứa trẻ thơ dại, dù chỉ 1, 2, 3, 4 tuổi đầu nhưng đã bị ép đi ăn xin trong những ngày đông giá buốt, thời tiết Sa Pa hiện chỉ 3 độ C.

Mỗi chúng ta cần phản đối hành động trên bằng việc làm thực tế: Không cho tiền và không mua hàng. Con chim còn biết công mồi về bú mớm cho con, các bậc làm cha mẹ đang trục lợi trên chính ruột thịt, con cháu mình, đây là hành động bất lương” – cán bộ kêu gọi.

Cán bộ kêu gọi không cho tiền trẻ em ăn xin ở Sa Pa. Ảnh phải Tiền Phong

Trong đoạn clip khác, vị cán bộ này còn coi việc bắt trẻ em đi ăn xin là chăn dắt: “Không khác gì hành vi của xã hội đen, chăn dắt các cháu. Chỉ khác đó là các bà mẹ béo trục béo tròn, lười lao động, thích tiêu tiền”.

Không chỉ bài tuyên truyền quá hay, mang ý nghĩa lớn mà chính giọng đọc truyền cảm của vị cán bộ cũng giúp cho bài kêu gọi thêm phần ấn tượng. Có người đã đề xuất nên thu âm bài kêu gọi này và phát ở những nơi công cộng để các cán bộ đỡ vất vả mà khách du lịch cũng hiểu rõ vấn đề, những kẻ trục lợi hết đường làm ăn.

Ăn xin được bao nhiêu tiền, các em sẽ mang về cho bố mẹ. Ảnh Tiền Phong.

Người dùng mạng để lại nhiều bình luận khen ngợi trước bài kêu gọi và họ cũng kể lại những trải nghiệm không mấy đẹp khi đến du lịch tại nơi đây và gặp trẻ em ăn xin:

Quang Đặng: Hoan nghênh cách làm của Sa Pa, mong các điểm du lịch trên toàn quốc nếu có hiện tượng này hãy học và làm theo cách của Sapa. Và các cấp, các ngành liên quan trên từng địa phương không bảo kê và phải xử lý triệt để tình trạng này để bảo vệ quyền trẻ em.

Nguyên Linh: Ủng hộ chính quyền Sa Pa. Kêu gọi chia sẻ mạnh mẽ tới cộng đồng. Mỗi lần lên nhìn bọn nhóc bé tí 1-2 tuổi ngủ dặt dẹo trên đứa chị đứa anh mới dăm bảy tuổi, 12h đêm còn không được về ngủ mà thấy xót ruột.

Khánh: Ở Hà Nội cũng nên để loa phát thanh ở mấy ngã tư lớn tuyên truyền cái này.

Đậu Đậu: “Mình từng gặp chuyện này. Mình chụp ảnh với các bé, cho các bé tiền. Nhưng khi cho tiền, các bé chen chúc nhau, gào khóc chen lấn, mỗi lúc một đông, có khi đến 40 đứa bé. Mình có thể cho tất cả các bé, nhưng các bé chen lấn xô đẩy. Mình bỏ đi, các bé đi theo và chửi mình bằng tiếng dân tộc, mà mình cũng cho cả triệu đồng rồi”.

Linh Hà kể: “Nhìn các em nhỏ trên đó thương lắm. Có lần mình có hỏi bác tài là sao nhiều cháu nhỏ phải đi bán hàng. Bác nói là do bố mẹ chúng ép buộc. Bố mẹ chúng ngồi trong kia kìa, nếu bọn trẻ không ra bán sẽ bị đánh”.

Nguyễn Đăng Quang: “Em tối nay ở Sa Pa cũng gặp, mua hộ một cháu, một đoàn xúm vào, em lại mua lần lượt. Nhưng có cô bé thái độ không tốt nên em nhất quyết không mua. Nó khóc và dúi đồ cho em, không nhận lại. Sau nhiều lần không được, nó đấm em một cái vào sườn rồi bỏ đi”.

Ảnh Tiền Phong

Rõ ràng là việc có quá nhiều người ăn xin, chủ yếu là trẻ em đã khiến khách du lịch bị làm phiền, thậm chí là bị đánh một cách oan ức. Đến đây chủ yếu để ngắm cảnh, để dành thời gian tận hưởng không khí, thưởng thức đặc sản và văn hóa chứ chẳng phải là đem tiền lên tặng không cho các em, mà chính xác hơn là tặng cho những con người tham ăn nhác làm. Tuy nhiên vì mềm lòng, người ta vẫn phải cho tiền, mà càng cho tình trạng này lại càng tiếp diễn không hồi kết.

Dù sinh ra trong gia đình giàu có hay nghèo khổ, trẻ em vẫn đáng được yêu thương và đối xử một cách tử tế. Cha mẹ là người sinh chúng ra thì phải có trách nhiệm với cuộc đời chúng, không thể dùng chúng như công cụ để kiếm tiền. Bố mẹ ngồi chỗ mát nhìn con lê lết trên đường xin tiền, bán hàng rong, thử hỏi làm cha mẹ kiểu gì thế? Mới tí tuổi đầu đã bị ép ra đường, hóa trang cho mặt mày lem luốc để nhận sự bố thí của người khác, bố mẹ không thấy xót con hay sao? Chúng còn cả tương lai nữa, bố mẹ không thể tự tay vò nát tương lai của con mình, ép chúng vào con đường tăm tối để mưu sinh. Không được học hành, không được đối xử tử tế, chỉ biết ăn vạ, bấu víu vào lòng thương hại của người khác, sẵn sàng đánh người nếu không được giúp đỡ thì lớn lên chúng sẽ là con người như thế nào đây?

Một em bé tranh thủ học bài trước giờ ra chợ kiếm tiền. Ảnh Vietnamnet

Hy vọng sau bài kêu gọi này, tình trạng ăn xin sẽ được chấm dứt một cách triệt để, giúp khách đến đây được du lịch theo đúng nghĩa. Ai cũng có hoàn cảnh riêng của mình, du khách cũng chưa chắc giàu có dư dả hơn người dân bản địa nên đừng thấy họ từ nơi xa đến mà bày trò vòi vĩnh. Muốn có tiền thì hãy đứng dậy đi làm đi hỡi các ông bố bà mẹ chuyên bóc lột trẻ con ạ. Ăn bám lòng thương hại của người khác không sớm thì không thể tồn tại được.

Theo: Giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X