Bé 4 tuổi nặng cân nhất lớp, bị gan nhiễm mỡ vì bà thường xuyên cho uống thức quà này

Việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ bên cạnh giáo dục gia đình vô cùng quan trọng vì nó ảnh hường đến thể chất cũng như trí tuệ của trẻ trong quá trình phát triển. Nhiều trẻ dùng thức ăn nhanh và nước ngọt vô tội vạ vì sự chiều chuộng

Việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ bên cạnh giáo dục gia đình vô cùng quan trọng vì nó ảnh hường đến thể chất cũng như trí tuệ của trẻ trong quá trình phát triển. Nhiều trẻ dùng thức ăn nhanh và nước ngọt vô tội vạ vì sự chiều chuộng của cha mẹ. Ít người biết trẻ uống nhiều nước ngọt có nguy cơ bệnh gan nhiễm mỡ.

Cách đây không lâu, bé N.T.T, 4 tuổi, ở Hà Nội được mẹ bé đưa đi khám vì cháu có dấu hiệu mệt, chán ăn. Khi xét nghiệm máu, chỉ số trygliceride trong máu lên tới trên 5 mmol/l. Bác sĩ siêu âm gan thấy độ sáng của nhu mô gan cao. Bé được chẩn đoán gan nhiễm mỡ độ 2. Theo bố mẹ, bé rất thích uống nước ngọt. Dù gia đình có hạn chế nhưng bố mẹ đi làm suốt, bà nội ở nhà chiều cháu nên vẫn cho cháu uống. Chỉ đến khi bị cô giáo cảnh báo về cân nặng của con, bé 4 tuổi nhưng nặng nhất lớp, thì người mẹ mới đưa con đến bệnh viện và ngỡ ngàng khi nghe kết quả.

Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng trẻ uống nhiều nước ngọt có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ em và thanh thiếu niên tiêu thụ một lượng lớn fructose – phổ biến nhất là từ nước ngọt- có nhiều khả năng bị gan nhiễm mỡ không do rượu (viết tắt là NAFLD).

Điều tra viên cao cấp Tiến sĩ Valerio Nobili, của Bệnh viện Bambino Gesù ở Ý và các đồng nghiệp là tác giả của công trình này. Khác với bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, NAFLD là một tình trạng đặc trưng bởi sự tích tụ chất béo trong gan mà không phải do tiêu thụ rượu. Sự tích tụ chất béo đi kèm với viêm và tổn thương tế bào gan, có thể gây ra tổn thương xơ hóa. NAFLD có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm xơ gan và ung thư gan.

Trẻ thừa cân có khả năng bị gan nhiễm mỡ không do rượu NAFLD.Theo Tiến sĩ Nobili và các đồng nghiệp, ước tính cho thấy có tới 9,6% trẻ em và 38% trẻ em béo phì ở các nước phương Tây mắc một số dạng bệnh gan, bao gồm viêm gan. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng lượng đường fructose trong chế độ ăn uống dẫn đến sự gia tăng nồng độ axit uric trong máu và nồng độ cao của cả fructose và axit uric đã được xác định ở những người bị NAFLD.

Đối với nghiên cứu mới nhất này, 271 trẻ em và thanh thiếu niên béo phì bị NAFLD phải tham gia trả lời các câu hỏi về chế độ ăn uống hàng ngày, tất cả đều trải qua sinh thiết gan. Sử dụng những dữ liệu này, nhóm nghiên cứu đã tính toán lượng đường fructose trong chế độ ăn uống của người tham gia. Họ phát hiện ra rằng soda và nước ngọt là một nguồn chính của fructose; gần 90 % đối tượng báo cáo uống soda và đồ uống ngọt khác ít nhất một lần mỗi tuần. Trẻ uống nước ngọt có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ vì lượng đường cao mà cơ thể phải hấp thụ.

Nhiều người thường cho rằng, chỉ uống rượu mới có thể ảnh hưởng tới gan, nhưng thực ra đường trong các loại thực phẩm cũng hủy hoại gan. Trẻ bị gan nhiễm mỡ sẽ có một số biểu hiện như: mệt mỏi, bỏ ăn, sưng bụng, buồn nôn, khó tăng cân, đầy hơi, khó tiêu…

Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn để giảm tiêu thụ soda và đồ uống ngọt khác ở trẻ em và thanh thiếu niên, để có thể làm giảm lượng đường fructose, giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ vì trẻ uống nước ngọt quá nhiều.

Theo: Giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X