3 lý do người có đủ triệu chứng nhưng vẫn 1 vạch: Không phải Omicron lẩn trốn test nhanh

Các chuyên gia cho rằng Omicron “tàng hình” có thể được phát hiện bằng test nhanh, song một số loại kit độ nhạy thấp không hiệu quả ở giai đoạn tải lượng virus cơ thể còn thấp. Nhiều người có triệu chứng Covid-19 khá rõ như ho, sổ mũi, đau rát họng, sốt nhưng test

Các chuyên gia cho rằng Omicron “tàng hình” có thể được phát hiện bằng test nhanh, song một số loại kit độ nhạy thấp không hiệu quả ở giai đoạn tải lượng virus cơ thể còn thấp.

Nhiều người có triệu chứng Covid-19 khá rõ như ho, sổ mũi, đau rát họng, sốt nhưng test nhanh nhiều lần đều âm tính, trong khi xét nghiệm PCR (có giá trị khẳng định) dương tính. Trong bối cảnh chủng phụ Omicron BA.2 (còn được Hiệp hội Y khoa Mỹ gọi là biến chủng “tàng hình”) đang chiếm ưu thế tại TP HCM, nhiều người băn khoăn liệu nó có khả năng lẩn tránh, qua mặt test nhanh.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng BA.2 về cơ bản cũng tương tự biến chủng gốc Omicron (BA.1), được phát hiện bởi xét nghiệm PCR và test nhanh như bình thường. “Người ta gọi ‘tàng hình’ do chủng phụ này không chứa đột biến đặc trưng của Omicron khi xét nghiệm bằng PCR, dễ nhầm nó là chủng Delta, đến khi giải trình tự gene virus thì mới biết là Omicron”, phó giáo sư Dũng nói.

2

Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người có triệu chứng Covid mà test nhanh vẫn âm tính, có phải do Omicron “tàng hình” lẩn trốn? Các chuyên gia cho rằng kết quả xét nghiệm âm tính giả không phải do virus lẩn tránh test nhanh, mà có nhiều nguyên nhân khác. Thứ nhất, chủng BA.1 cũng như chủng phụ BA.2 có đặc điểm lây bệnh rất nhanh, đôi khi đã xâm nhập vào cơ thể nhưng kháng nguyên vẫn chưa biểu hiện, do đó một vài ngày đầu phơi nhiễm có thể chưa phát hiện được bằng test nhanh.

Thứ hai, kết quả xét nghiệm nhanh phụ thuộc cách lấy mẫu, thời gian đọc mẫu. Nếu thực hiện sai thao tác lấy mẫu sẽ cho kết quả sai lệch. Các chuyên gia khuyên khi test nhanh, nên đợi sau 15 hoặc 30 phút (tùy theo hướng dẫn của từng nhà sản xuất kit), nếu đọc kết quả quá sớm có thể âm tính giả.

Thứ ba, chất lượng các loại kit test không đồng đều với độ nhạy và độ đặc hiệu. Kit giả, nhái, kém chất lượng có thể đem lại kết quả không chính xác.

Ngoài ra, độ nhạy của kit test không thể đạt 100% so với xét nghiệm PCR. Những ngày đầu phát hiện bệnh, nồng độ virus trong cơ thể còn quá thấp, test nhanh có thể khó phát hiện virus hơn PCR.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đồng tình với giả thuyết nhiều người “âm tính giả” khi test nhanh do thực hiện sai thao tác, sai thời điểm lấy mẫu, độ nhạy của kit kém… “Một số loại kit test đời cũ có thể ít nhạy với biến chủng Omicron”, ông Khanh nói.

Để test nhanh có kết quả chính xác, thạc sĩ Võ Tuấn Linh, Phó Khoa xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, khuyên mua kit thuộc danh mục do Bộ Y tế cấp phép. Tránh để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào kit test, không dùng hàng hết hạn sử dụng. Kiểm tra để đảm bảo rằng dụng cụ cho xét nghiệm và gói hút ẩm không bị hỏng hoặc không hợp lệ. Thực hiện lấy mẫu và test chính xác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Theo ông Linh, mẫu bệnh phẩm được lấy không đúng cách sẽ cho kết quả test sai. Tùy theo hướng dẫn của từng loại sinh phẩm, thời gian đọc kết quả khác nhau trong 15-30 phút. Không đọc kết quả trước hoặc sau thời gian quy định.

Kết quả âm tính là khi xuất hiện vạch chứng C (vạch đỏ). Dương tính là xuất hiện cả vạch chứng C và vạch T. Nếu cả vạch chứng C và T không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện vạch T thì kết quả không có giá trị. Vạch chứng C không xuất hiện có thể do thiếu mẫu hoặc thanh thử bị hỏng, phải thực hiện lại với kit mới hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn.

Các chuyên gia cho rằng không nên quá lo lắng với sự xuất hiện của Omicron “tàng hình”. Theo bác sĩ Khanh, người có yếu tố dịch tễ, từng tiếp xúc F0, khi có triệu chứng bệnh mà test nhanh vẫn âm tính thì nên tự cách ly, điều trị giống như đang mắc Covid. Không nên gấp rút thực hiện PCR vì “dù âm tính hay dương tính vẫn cách ly điều trị các triệu chứng”. “Về nguyên tắc, người bệnh cúm vẫn có nguy cơ lây lan người khác, do đó cần mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc”, ông nói.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, vaccine vẫn đủ khả năng bảo vệ người mắc trở nặng nhưng không bảo vệ khỏi nhiễm chủng mới Omicron. Do đó, TP HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân trong thời gian tới.

Chủng “tàng hình” BA.2 đã xuất hiện ở 92 quốc gia, chiếm ưu thế ít nhất 10 nước, lan rộng đáng kể nhưng chưa tạo ra sự khác biệt rõ rệt về độ nghiêm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới hồi tháng trước nhận định biến chủng này có ưu thế lây truyền, song không gây triệu chứng nặng hơn BA.1. Các chuyên gia còn nhiều điều chưa biết về đặc tính biến chủng phụ này, chẳng hạn khả năng tái nhiễm và kháng vaccine.

Theo giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X