12 điều mẹ cần biết khi con là F0, sự sẵn sàng đối mặt sẽ giúp con sớm quay trở lại trường học

Những ngày cho con quay trở lại trường học, chắc hẳn phụ huynh nào cũng lo lắng và bất an. Thậm chí có nhiều gia đình còn sẵn sàng lên phương án trong trường hợp con mình là F0 hoặc đối tượng tiếp xúc với F0. Thực sự trong tình thế mà trẻ đã học

Những ngày cho con quay trở lại trường học, chắc hẳn phụ huynh nào cũng lo lắng và bất an. Thậm chí có nhiều gia đình còn sẵn sàng lên phương án trong trường hợp con mình là F0 hoặc đối tượng tiếp xúc với F0.

Thực sự trong tình thế mà trẻ đã học online ở nhà quá lâu, nếu không cho con đến trường thì trẻ thiệt thòi rất nhiều thứ, đặc biệt là mặt thể chất và tinh thần. Không ít phụ huynh than thở trên các diễn đàn rằng nhiều trẻ sáng đi học chiều về nhà đã phải cách ly 14 ngày, hay thông tin báo chí mới đây cho biết nhiều địa phương bắt buộc phải cho học sinh nghỉ học vì tình hình trẻ bị F0 tăng nhanh khiến nhiều bậc cha mẹ hoang mang.

Vậy mới thấy, bất kỳ phương án nào cũng đều có mặt ưu điểm và nhược điểm, điều quan trọng là nhà trường và phụ huynh đã sẵn sàng đối mặt với những tình huống phức tạp nhất hay chưa.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn hình: Sohu

Nói gì thì nói, khi cho con quay trở lại trường học đồng nghĩa với việc phụ huynh phải là người nắm bắt và hiểu biết những thông tin và cách chăm sóc trẻ trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Vì không ai dám chắc chắn rằng trẻ sẽ được bảo vệ hay an toàn tuyệt đối với con virus nguy hiểm này khi trẻ bắt đầu đi học trở lại.

Dưới đây là 12 điều mà phụ huynh cần biết khi chăm sóc trẻ là F0, cụ thể:

1. Dấu hiệu khi trẻ mắc nCoV

Thông thường, trẻ nhiễm nCoV thường có dấu hiệu sốt, ho, một vài trường hợp sẽ bị chảy nước mũi, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, nôn và ăn kém…

Tuy nhiên cũng có nhiều trẻ bị nhiễm bệnh mà không có biểu hiện gì.

Cũng có vài trường hợp trẻ bị tổn thương da niêm; rối loạn nhịp tim; tổn thương thận cấp; viêm thanh mạc; gan to, viêm gan; bệnh não.

2. Dấu hiệu trẻ chuyển nặng

Mẹ theo dõi nếu thấy trẻ thay đổi ý thức như:

– Ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

– Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

– Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn

– Cánh mũi phập phồng, khó thở, thở nhanh,

– Mạch nhanh (> 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút)

Thì đây chính là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị chuyển nặng khi nhiễm nCoV.

3. Theo dõi nhịp thở của bé

Theo các chuyên gia y tế thì nhịp thở của trẻ được xem là bất thường khi:

– Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút,

– Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút

– Trẻ > 12 tuổi: nhịp thở ≥ 20 lần/phút.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn hình: Sohu

4. Mẹ cần báo cho ai khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường

– Cơ sở quản lý người mắc nCoV tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu…

– Liên hệ điện thoại của các bệnh viện có khoa Nhi hoặc các cơ sở xử trí của từng phường/huyện để được tư vấn.

5. Khi nào cần thông báo cho y tế

Trong trường hợp trẻ bị khó thở, hụt hơi hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, tức ngực, ngủ li bì. SpO2 dưới 96%. Đặc biệt nếu trẻ mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng… cần báo ngay cho y tế.

6. Đồ dùng cần chuẩn bị khi nhà có trẻ bị nhiễm nCoV

Mẹ cần trang bị những dụng cụ cơ bản sau để theo dõi tình hình sức khỏe của bé như:

– Khẩu trang

– Nước sát khuẩn

– Máy đo SpO2 cầm tay

– Nhiệt kế

– Điện thoại

– Thuốc hạ sốt dạng uống, đặt hậu môn, Oresol, thuốc ho, vitamin tổng hợp

– Nước muối sinh lý

7. Dinh dưỡng cho trẻ nhiễm nCoV

– Đảm bảo đủ nước (với trẻ từ 0-6 tháng cần bú mẹ hoàn toàn; trẻ từ 7-12 tháng tuổi cần 800ml nước/sữa; Trẻ từ 1-3 tuổi cần 900ml; trẻ từ 4-8 tuổi cần 1.200ml; 9-13 tuổi cần 1.60-1.800ml; trẻ từ 14-18 tuổi cần 1.800-2.600ml)

– Ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả…

– Không bỏ bữa;

– Với trẻ nhỏ cần bú mẹ kể cả mẹ là F0

8. Cách vệ sinh cho trẻ nhiễm nCoV

– Vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không kiêng nước

– Vệ sinh tay thường xuyên

– Vệ sinh mũi nếu trẻ chảy nhiều nước mũi/nước mũi đặc quánh. Nếu chảy mũi ít chỉ cần lau bằng khăn mềm sạch.

9. Làm gì khi con sốt từ 38.5 độ trở lên

– Chườm hạ sốt.

– Uống thuốc hạ sốt như paracetamol (Hapacol, Efferalgan, Doliprane, Tylenol…) liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4 lần.

– Bù nước.

Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, cần thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người nhiễm nCoV tại nhà để được xử trí.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn hình: Sohu

10. Khi con bị đau họng thì cha mẹ cần làm gì?

– Dùng thuốc ho phải theo chỉ định của bác sĩ, dùng khi thật cần.

– Thuốc ức chế ho: Dùng khi ho quá nhiều, không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.

– Thuốc loãng đờm: Có thể thay thế bằng uống nhiều nước, không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

– Thuốc ho thảo dược: Khuyến cáo dùng.

11. Những điều không nên làm khi con bị nhiễm nCoV

– Không tự ý sử dụng 2 loại thuốc ho cùng lúc hoặc các loại thuốc ho có thành phần chống dị ứng, giảm ho.

– Không lạm dụng các vitamin kể cả vitamin C hay multivitamin.

– Con mắc nCoV, đừng cho trẻ xông lá, tinh dầu… vì không có tác dụng điều trị, có thể làm trẻ tăng khó chịu, nguy cơ khiến trẻ bỏng.

– Không tự dùng thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid, thuốc kháng virus…

– Không dùng các đơn thuốc trên mạng.

– Không chia sẻ đơn thuốc của trẻ.

12. Người nhà cần làm gì khi trẻ nhiễm nCoV

– Đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn

– Vệ sinh tay thường xuyên

– Mở cửa sổ thông thoáng

– Thường xuyên vệ sinh bề mặt

– Xử lý chất thải theo đúng hướng dẫn

– Ổn định tâm lý cho trẻ

– Nhận biết dấu hiệu trẻ trở nặng, lưu số điện thoại của cơ quan y tế khi cần để báo tin.

Trên đây là tất tần tật những thông tin mẹ cần phải nắm khi chăm sóc trẻ bị F0, việc mẹ hiểu biết và nắm bắt thông tin theo cách khoa học sẽ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn.

Theo giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X