𝙱ủ𝚗 𝚛ủ𝚗 𝚔𝚑𝚒 𝚌𝚘𝚗 𝚋ị 𝚝𝚒ê𝚖 𝚗𝚑ầ𝚖 𝚟ắ𝚌-𝚡𝚒𝚗 𝚗𝚐ừ𝚊 ‘𝚌ô𝚟𝚒’: 𝙽𝚐ườ𝚒 𝚌ó 𝚕𝚒ê𝚗 𝚚𝚞𝚊𝚗 𝚙𝚑ả𝚒 𝚌𝚑ị𝚞 𝚝𝚛á𝚌𝚑 𝚗𝚑𝚒ệ𝚖 𝚐ì

Bởi vì bình thường đưa con đi tiêm ngừa, em thấy hầu hết các đơn vị, cơ sở tiêm chủng thực hiện các khâu rất kỹ, từ khám sàng lọc đến lúc gọi phụ huynh đưa bé vào phòng tiêm, hỏi rõ đầy đủ thông tin, thậm chí còn đưa lọ vắc-xin ra cho mình

Bởi vì bình thường đưa con đi tiêm ngừa, em thấy hầu hết các đơn vị, cơ sở tiêm chủng thực hiện các khâu rất kỹ, từ khám sàng lọc đến lúc gọi phụ huynh đưa bé vào phòng tiêm, hỏi rõ đầy đủ thông tin, thậm chí còn đưa lọ vắc-xin ra cho mình nhìn và kiểm tra lại lần nữa mới tiến hành tiêm cho trẻ. 

Nên vẫn chưa hiểu vì sao xảy ra sự cố nêu trên. Phụ huynh ai gặp tình huống con mình bị tiêm nhầm vắc-xin, nhất là loại vắc-xin còn khá mới, chưa được kiểm chứng với nhóm trẻ dưới 1 tuổi, ai mà không run cho được.

Đọc chia sẻ của nhiều phụ huynh là người trong cuộc của vụ việc này trên trang VnExpress mà thấy thương gì đâu. Chị Bùi Thị Phương Nga, 21 tuổi, kể chị bủn rủn tay chân, khóc không ngừng suốt chặng đường đưa bé vào viện cấp cứu.

hình ảnh

Ảnh: 18 trẻ bị tiêm nhầm vắc-xin đang được theo dõi tại Bệnh viện Xanh Pôn. Nguồn: VnExpress.

Chị kể chị sinh bé gái vào ngày 01/9/2021, là 1 trong 18 trẻ nhỏ ở huyện Quốc Oai, bị tiêm nhầm vắc-xin ‘cô vi’. Sự cố này xảy ra ở Trạm Y tế xã Yên Sơn vào sáng ngày 03/11/2021 khi đơn vị này tổ chức tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi. Vì sơ suất mà nhân viên y tế đã tiêm nhầm vắc-xin Pfizer cho trẻ.

Được biết, theo kế hoạch trước đó, chị Nga dự định đưa con đi tiêm vắc-xin 5 trong 1, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ hoặc viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B. Thời điểm đó, có khoảng 40 người gồm các bé và người nhà. Đáng chú ý là điểm tiêm chỉ có 1 bác sĩ phụ trách. Nên nghe gọi tên, chị Nga bế con lại bàn tiêm, bác sĩ lấy lọ vắc-xin trong thùng xốp, nói đây là vắc-xin 5 trong 1 rồi thực hiện các thao tác tiêm. Chị Nga cũng vì chủ quan, không nhìn rõ lọ thuốc, cũng không suy nghĩ đến biến cố gì, một mực tin tưởng nên bác sĩ nói sao thì nghe vậy.

Đúng theo quy trình, chờ 30 phút sau tiêm, thấy con không có biểu hiện gì bất thường nên chị Nga đưa con về. Đến tối khoảng 19 giờ, bé có biểu hiện sốt, nhưng chị nghĩ đó là phản ứng bình thường sau khi tiêm, nhưng vài tiếng sau bé lại lên cơn sốt hơn 39 độ C, co giật, trợn mắt, co quắp tay chân… Hoảng quá chị gọi cấp cứu để bác sĩ ở Trạm Y tế đến kiểm tra, sau khi bác sĩ xoa bóp thì con chị hết co giật và đỡ sốt nên chị cũng yên tâm.

Đến chiều hôm qua, ngày 04/11/2021, chị Nga bất ngờ vì thấy người của Trạm Y tế quay lại, họ báo đã tiêm nhầm vắc-xin cho con chị, nhưng không nói rõ là tiêm nhầm loại vắc-xin gì. Đến khi tìm hiểu các gia đình khác, mọi người mới hoang mang vì đó là vắc-xin ngừa ‘cô vi’. Lúc đấy, xe cấp cứu mới đưa 2 mẹ con chị Nga cùng với 1 gia đình khác lên Bệnh viện Xanh Pôn. Nghe tin mà cổ chị nghẹn đắng không nói nên lời, nhìn con nhợt nhạt và người nóng ran, chị như ngồi trên đống lửa.

Cùng trong nhóm 18 trẻ bị tiêm nhầm, chị Tạ Thị Thu thấy con 3 tháng tuổi bú ít, sốt sau khi tiêm chủng đã không nghĩ đến bất thường. Đến 1 giờ sáng hôm sau bé khóc nhiều, quấy suốt đêm và sốt trên 38 độ chị mới thấy lo. Sau đó, chị nhận được tin báo con chị đã bị tiêm nhầm vắc-xin, và nhận lời xin lỗi về sự cố đã xảy ra. Nghe tin, gia đình chị vội vã đưa con lên viện để xử trí, những chuyện khác giải quyết sau.

Tương tự, chị Bùi Thị Hiếu cũng cảm thấy lo lắng cho sức khỏe con trai chị, chị nói không thể tin chuyện này có thể xảy ra.

Hiện tại, sức khỏe của các bé ổn định, một số có biểu hiện sốt, sưng đỏ nơi tiêm và chưa thấy trường hợp nào bị sốc phản vệ. Các cơ quan liên quan đã tham vấn ý kiến chuyên môn của các giáo sư hàng đầu trong nước, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF. Tuy là sức khỏe của các bé vẫn đang ổn, nhưng vẫn cần theo dõi tích cực ở Trung tâm Kỹ thuật cao.

Như trường hợp của con chị Nga, bé gái phải chuyển xuống phòng cấp cứu do bị nhiễm khuẩn, phải tiêm kháng sinh. Bé phải truyền nước, xung quanh máy móc chằng chịt. Bác sĩ cho biết bé phải nằm lại điều trị từ 7 ngày đến 10 ngày, bé hiện vẫn còn sốt nhẹ khoảng 37,9 độ C. Dù các bác sĩ nói đỡ hơn rồi nhưng chị Nga cảm thấy rất lo, nó còn bé quá mà phải dùng kháng sinh, rồi vắc-xin ‘cô vi’ có để lại di chứng gì không, con chị bị ảnh hưởng thế nào… đến giờ chưa ai trả lời được.

hình ảnh

Ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển trò chuyện, hỏi thăm người nhà một cháu bé khác đang theo dõi sức khoẻ tại Bệnh viện Xanh Pôn. Nguồn: Sức khỏe Đời sống.

Sau khi sự cố xảy ra, huyện Quốc Oai đã có yêu cầu đình chỉ dây tiêm gồm 4 nhân viên, rà soát quy trình tiêm chủng cho trẻ. Người trực tiếp tiêm chủng cho bé cũng đã bị đình chỉ công tác để xem xét trách nhiệm. Vấn đề mà dư luận đang quan tâm rằng, liệu người này sẽ phải chịu trách nhiệm gì?

Theo em tìm hiểu quy định của pháp luật hiện hành có 3 hình thức xử lý gồm xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử lý ra sao sẽ phải chờ quy trình xem xét trách nhiệm ở từng khâu thực hiện và hậu quả như thế nào?

– Đối với hình thức xử lý kỷ luật: Tùy mức độ mà người vi phạm có thể bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, hoặc buộc thôi việc.

– Đối với hình thức xử phạt vi phạm hành chính: Việc tiêm chủng không đúng quy định, không đảm bảo an toàn khi tiêm chủng sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong vòng 01 đến 03 tháng, cơ sở tiêm chủng sẽ bị đình chỉ toàn bộ hoặc một phần hoạt động trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng, căn cứ Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

– Đối với hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự: Sẽ xử lý nếu xảy ra sự cố nạn nhân qua đời hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ từ 61% trở lên… với mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc ‘bóc lịch’ từ 06 tháng đến 12 năm và người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề từ 01 năm đến 03 năm, căn cứ quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngoài việc bị xử lý nêu trên, người tiêm nhầm vắc-xin còn có trách nhiệm bồi thường nếu xảy ra thiệt hại về sức khỏe hoặc tính mạng cho trẻ.

Về nguyên tắc, khi thực hiện tiêm chủng nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp xác định lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc người làm công tác tiêm chủng thì đối tượng này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nói tóm lại, cán bộ y tế đã tiêm nhầm cho nhóm 18 trẻ này có trách nhiệm bồi hoàn cho Nhà nước các khoản chi phí đã bồi thường cho người tiêm chủng, bao gồm các khoản sau theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP:

* Nếu người tiêm chủng có di chứng dẫn đến bị khuyết tật: 44,7 triệu đồng (bằng 30 tháng lương cơ sở), các chi phí phải khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc giảm sút.

* Nếu có thiệt hại về tính mạng thì phải bồi thường các khoản sau:

– Chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi qua đời.

– Chi phí mai táng: 14,9 triệu đồng (bằng 10 tháng lương cơ sở).

– Bù đắp tổn thất về tinh thần cho người thân người tiêm chủng đã mất: 100 triệu đồng.

– Chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút theo số ngày thực tế (nếu có).

hình ảnh

Ảnh trái: Các trẻ sơ sinh bị tiêm nhầm vắc-xin đang được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn. Nguồn: VTC News. Ảnh phải: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm, trò chuyện với gia đình cháu bé bị tiêm nhầm vaccine đang theo dõi sức khoẻ tại Bệnh viện Xanh Pôn. Nguồn: Sức khỏe Đời sống.

Đấy, chỉ một chút nhầm lẫn, sai sót là hậu quả xảy ra khôn lường. Thông qua vụ việc này, một lần nữa nhắc nhở quý vị phụ huynh khi đưa con em mình đi tiêm chủng cần kiểm tra kỹ lưỡng cùng với bác sĩ, cán bộ y tế. Đừng chủ quan chỉ nghe thông tin từ một phía, kẻo người thiệt thòi chính là con mình đó.

Theo giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X